Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng phân theo tỉnh thành, vùng miền, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% sử dụng VLXKN theo tỷ lệ: TP. Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%; các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Đông Nam Bộ sử dụng tối thiểu 90% tại các khu đô thị loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 70% tại các khu vực còn lại; các tỉnh còn lại, sử dụng tối thiểu 70% tại các đô thị từ loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại.
Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN, phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Hướng tới mục tiêu chung là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội, việc nâng chuẩn sử dụng được coi là yêu cầu cần thiết.
Tuy nhiên, việc nâng chuẩn này theo đánh giá của các chuyên gia vẫn là chưa đủ sức để giúp cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường này dễ thở hơn. Cần nhớ rằng, từ năm 2012, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 09/2012/TT-BXD quy định các công trình xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, tới nay vẫn có nhiều công trình xây dựng có vốn nhà nước không thực hiện Quy định này của Bộ Xây dựng.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó là việc người tiêu dùng chưa quen, phải thay đổi thiết kế công trình, doanh nghiệp chưa mặn mà…Ngoài ra, từ sự cố nứt tường tại một số công trình xây dựng sử dụng ngân sách ở Bến Tre vào năm 2014 hay nhà "đổ mồ hôi" tại Hà Nội và Vĩnh Phúc đã khiến tại nhiều địa phương, chủ đầu tư không đưa VLXKN như yêu cầu bắt buộc vào dự án, mà chỉ mang tính chất khuyến khích nhưng lại vẫn phải đảm bảo các tiêu chí khá khắt khe. Vì thế, gạch không nung khó chen chân vào các dự án.
Điều này đã dẫn đến đầu ra đối với sản phẩm VLXKN của nhiều nhà máy tại Hải Dương, Bắc Kạn… tại miền Bắc hay Bình Thuận… tại miền Nam gặp khó khăn về đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Phương Nam tại tỉnh Bình Dương cho rằng, dù chương trình phát triển VLXKN có đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, nhưng khi áp dụng thực tế, địa phương không thực hiện được. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN.
Trong khi gặp khó ở đầu ra, thì ở đầu vào cũng không dễ dàng hơn. Mặc dù trong Chương trình phát triển VLXKN có yêu cầu các nhà máy nhiệt điện sẽ phải hỗ trợ và ưu tiên cung cấp cho các đơn vị sản xuất VLXKN vì phế thải tro, xỉ là nguyên liệu chính sản xuất VLXKN, tuy nhiên, theo chia sẻ từ ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Cao Cường, việc hỗ trợ và ưu tiên thực tế hầu như không xảy ra, thậm chí các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn mới mua được phế thải tro, xỉ. Điều này khiến cho giá thành đầu ra đối với VLXKN cũng không thể thấp như dự kiến ban đầu, nên càng khó tiếp cận người tiêu dùng hơn.
Do đó, theo đề xuất của một số doanh nghiệp sản xuất sản xuất sản phẩm này, ngoài việc nâng tiêu chuẩn sử dụng VLXKN các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ “đầu ra” cho sản phẩm, như khuyến khích các công trình sử dụng, hỗ trợ lãi suất…. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện cũng nên có sự hợp tác như giao lại một phần diện tích đất chôn lấp cho doanh nghiệp xử lý tro xỉ để xây dựng nhà máy.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, 1 nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm cần 30 ha để chôn lấp 5 triệu tấn tro xỉ. Như vậy, với công suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện tại, cần đến 360 ha đất để xử lý chất thải và đến năm 2020, phải cần đến hàng ngàn héc-ta đất cho việc này. Hiện chi phí tiền sử dụng đất và chi phí làm bãi chôn lấp bao gồm bờ bao, san ủi… khoảng 1 triệu đồng/m2, chi phí xử lý tro xỉ, vận hành bãi khoảng 120.000 đồng/tấn xỉ. Tính toán, chi phí cho hoạt động này lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com