Tăng tỷ giá thêm 1%, nhà đầu tư cần bình tĩnh

Tăng tỷ giá thêm 1%, nhà đầu tư cần bình tĩnh

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% hiện nay lên +/-3%, áp dụng từ hôm nay (19/8), theo các chuyên gia là bước đi phù hợp. Nhà đầu tư cần bình tĩnh khi nhìn nhận động thái này tác động lên TTCK.

“Phá giá đồng nhân dân tệ không ảnh hưởng có hệ thống đến nền kinh tế Việt Nam”

Tăng tỷ giá thêm 1%, nhà đầu tư cần bình tĩnh ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng
thành viên CTCK Kỹ Thương
 

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD là để chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng nhiều năm qua.
Việc biến động tỷ giá, ngoài tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, hiệu ứng của việc phá giá đồng nhân dân tệ không ảnh hưởng một cách có hệ thống đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh GDP đang phục hồi tốt, lợi nhuận của các doanh nghiệp đang có xu hướng hồi phục tích cực. Ảnh hưởng ngắn hạn của động thái điều chỉnh tỷ giá lên thị trường là có.

Một câu hỏi đặt ra là liệu biến động tỷ giá có khiến khối ngoại e dè đầu tư vào TTCK Việt Nam hay không? Tác động của biến động tỷ giá mang tính ngắn hạn nhiều hơn, trong khi các quyết định đầu tư của khối ngoại thường mang tính dài hạn, từ 5-7 năm, nên biến động tỷ giá hiện tại không ảnh hưởng nhiều tới quyết định đầu tư của họ.

“Tỷ giá tăng có tác động hai chiều đến nhiều nhóm ngành”

Tăng tỷ giá thêm 1%, nhà đầu tư cần bình tĩnh ảnh 2

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)  

Những ngày gần đây tỷ giá luôn trong tình trạng sát trần 2% so với tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong khi thị trường vẫn đang chờ động thái của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Chúng tôi nhận thấy với xu hướng các đồng tiền hiện tại trên thế giới và ưu tiên kinh tế của Việt Nam, việc tỷ giá tăng là khó tránh khỏi.  

Trong cơ cấu cán cân thương mại của Việt Nam, xuất khẩu phụ thuộc 2/3 vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi nhập khẩu chủ yếu lại là khối doanh nghiệp trong nước.

Việc điều chỉnh tỷ giá sáng nay (19/8) sẽ giúp bảo vệ dự trữ ngoại tệ Việt Nam trong bối cảnh VND chưa chiết khấu đủ với giá trị và cung cầu. Tuy nhiên, tác động sẽ không quá lớn đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp, do Việt Nam vẫn đang là quốc gia định hướng xuất khẩu, đồng thời quá trình hạ đòn bẩy với vay nợ USD đã diễn ra ở nhiều ngành.

Trong 4 năm thực thi nhiều chính sách tỷ giá chặt chẽ, đa số các ngành/doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vốn vay ngoại tệ đều đã giảm đòn bẩy đáng kể (trừ ngành Vận tải biển). Quy mô xuất nhập khẩu tăng gần 50% trong 4 năm từ 203 tỷ USD lên 298 tỷ USD (2014). Do vậy việc tỷ giá tăng trong giai đoạn sắp tới là điều khó tránh, nhưng không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế.

BSC đánh giá là một quốc gia mà nền kinh tế có định hướng xuất khẩu như Việt Nam, đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành. Cụ thể, nhóm ngành được hưởng lợi gồm các ngành xuất khẩu như: thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ, dầu khí; nhóm sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực là các ngành nhập khẩu như: dược, nhựa, săm lốp và  các ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn như: điện, vận tải biển, xi măng.

Tin bài liên quan