Tại hầu hết các nước phát triển, các DN, đặc biệt là công ty cổ phần bắt buộc phải có bộ phận kiểm toán nội bộ và hoạt động kiểm toán nội bộ phải tuân thủ các quy định của các Sở GDCK. Tới đây, quy định này sẽ được áp dụng vào DN niêm yết Việt Nam khi Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán sửa đổi 2015 được ban hành.
Kiểm toán nội bộ: thiếu và yếu
Tại Hội thảo “Vai trò của kiểm toán nội bộ trong công ty niêm yết” diễn ra tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vừa qua, ông Ivan Pham, Giám đốc Bộ phận tư vấn rủi ro, Công ty Pricewaterhouse Coopers Việt Nam nhận định, các DN Việt hầu như chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng của kiểm toán nội bộ. kiểm toán nội bộ được xem như tuyến phòng thủ rủi ro trong DN, nhưng hiện chỉ có những tập đoàn kinh tế lớn, các ngân hàng mới xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ.
Thực tế cho thấy, tại những DN kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tốt như Vinamilk, kiểm toán nội bộ rất được chú trọng. Ngược lại, hầu hết những DN năm trước lãi lớn, năm sau đổ vỡ đều không xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ.
Số DN xây dựng được bộ phận kiểm toán nội bộ chưa nhiều, đội ngũ làm kiểm toán nội bộ thiếu và yếu. Theo Hiệp hội kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA), số người có chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ quốc tế tại Việt Nam vẫn còn quá ít. Sau 10 năm hiệp hội này đặt chân vào Việt Nam, số người được đào tạo và cấp chứng chỉ CIA vẫn chưa đến con số 50.
Hiện nhiều DN Việt tuyển dụng nhân sự làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập về làm tại bộ phận kiểm toán nội bộ, khiến phương pháp và kế hoạch kiểm toán chưa đạt chuẩn quy định quốc tế. Đây chính là nguyên nhân mà hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ ở các DN chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Buộc DN niêm yết phải có kiểm toán nội bộ
Tại Luật Kế toán sửa đổi 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017, lần đầu tiên, vai trò, chức năng của kiểm toán nội bộ được luật hóa. Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn kiểm toán nội bộ. Quan điểm của Ban soạn thảo là sẽ quy định áp dụng trước với các DN niêm yết.
Để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả, tránh hình thức khi DN triển khai, bà Nhung cho hay, dự thảo Nghị định quy định, các DN có thể lựa chọn mô hình tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT hoặc trực thuộc Ban kiểm soát. Công ty con có thể tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ riêng, hoặc sử dụng kiểm toán nội bộ của công ty mẹ, do ĐHCĐ công ty con quyết định.
Với mục tiêu là đưa ra các khuyến nghị liên quan đến hệ thống kiểm toán nội bộ nhằm xử lý các rủi ro của đơn vị, các quy trình quản trị hay quản lý rủi ro có hiệu suất cao và các đơn vị đạt được mục tiêu hoạt động, mục tiêu chiến lược, kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện việc báo cáo và đánh giá.
Bà Nhung cho biết, theo kế hoạch, Nghị định hướng dẫn về kiểm toán nội bộ dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay, tuy nhiên, để tránh cho DN bị động khi triển khai, Nghị định sẽ quy định lộ trình chuyển tiếp.
“Cần có những hướng dẫn cụ thể để tổ chức kiểm toán nội bộ không chồng chéo chức năng với các bộ phận khác trong đơn vị. Nhưng trước tiên, cần minh bạch lộ trình quy định về bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề”, bà Nhung nói và cho biết thêm, Bộ Tài chính đang xem xét việc khuyến khích các DN xây dựng chương trình đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ.
Được biết, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo nhằm ghi nhận kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán nội bộ để đưa vào các quy định nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán nội bộ tại Việt Nam.
Luật Kế toán sửa đổi 2015, Điều 39, Kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ:
3. Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.
4. Kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;
b) Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt;
c) Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán;
d) Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.
5. Chính phủ quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.