Tăng truy xuất nguồn gốc, giảm ngộ độc thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn của hàng triệu gia đình Việt, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng.

Sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm thực phẩm xảy ra thời gian qua cho thấy việc bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề.

Một trong nhiều nguy cơ được chỉ ra là việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần được thực hiện quyết liệt hơn khi thực tế cho thấy nhiều người tiêu dùng khi được hỏi về nguồn gốc thực phẩm trên bàn ăn nhà mình còn khá mơ hồ và thiếu thông tin.

Rộng hơn điều đó cho thấy vẫn còn tình trạng từ người bán, người mua tới cơ quan quản lý đang trong tình trạng mù mờ về nguồn gốc thực phẩm. Để khắc phục điều này nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để minh bạch trong quản lý.

Chẳng hạn, tại Hà Nội theo thông tin từ Sở Y tế , suốt thời gian qua thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học sau khi có nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại trường học.

Trong các nội dung thanh, kiểm tra thì công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh. Tuy vậy, theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua công tác thanh, kiểm tra cơ quan chức năng nhận thấy vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.

Mặt khác, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ.

Hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.

Việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết được 'lý lịch' của sản phẩm, biết hàng hóa này đi đâu, phân phối như thế nào và nếu không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ đạt được hiệu quả quản lý nhà nước mà theo một số doanh nghiệp , điều này sẽ giúp hạn chế những nguy cơ mà người tiêu dùng phải đối mặt và bản thân cơ sở sản xuất cũng có động lực phát triển, tránh vấn nạn hàng giả hàng nhái.

Đại diện một siêu thị tư nhân trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội nói rằng, hiệu quả lớn nhất của việc truy xuất nguồn gốc là giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản. Nhất là đối với những nhóm hàng hóa nhập vào siêu thị, việc truy xuất nguồn gốc hỗ trợ đơn vị hữu hiệu trong việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Vị đại diện này cho rằng hiện người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắc khe hơn về chất lượng của sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với những sản phẩm nông, lâm, thủy sản,... Vậy nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Dù có nhiều lợi ích như vậy song theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít thách thức.

Đặc biệt là trong tư duy của chủ cơ sở đối với vấn đề đổi mới sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi cách làm truyền thống trong thời gian dài, do đó chưa đánh giá được lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất.

Đây cũng không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Và muốn thực hiện tốt điều này thì việc số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, theo lộ trình từ nay đến 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối nhằm tăng hiệu quả quản lý.

Theo đó, quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy này. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.

Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh).

Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác là tăng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm.

Hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết, trước hết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin bài liên quan