Ông Trần Tuấn Anh
Xuất khẩu dầu thô giảm ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015, thưa Thứ trưởng?
Nói về xuất nhập khẩu năm 2015, chúng ta phải nói tới diễn biễn hết sức phức tạp trên thị trường thế giới, nhiều nền kinh tế lớn chưa thực sự hồi phục như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ; trong khi các nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Brazil và Nga lại đang suy giảm, dẫn đến nhu cầu của thế giới giảm sút đối với một số mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tạo rào cản bảo hộ sản xuất trong nước, cộng với diễn biến thị trường tiền tệ khá phức tạp theo hướng hạ giá đồng nội tệ đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam.
"Có thể hết tháng 12, chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức gần bằng với mục tiêu đề ra là xấp xỉ 10% và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 5%".
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt nhiều kết quả khả quan như quy mô không ngừng mở rộng với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, dự kiến năm nay đạt xấp xỉ 10% như mục tiêu đã đề ra. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực, theo hướng tăng hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng, giảm bớt xuất khẩu thô.
Một điểm đáng quan tâm nữa là nhập siêu vẫn được kiềm chế, chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Như vậy có thể thấy, năm 2015, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể.
Tính đến hết tháng 11/2015, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 9% với mức nhập siêu đang xấp xỉ 3 tỷ USD. Vậy dự kiến cả năm có đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5%, thưa ông?
11 tháng qua nhập siêu ở mức thấp, đáp ứng yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra. Bên cạnh đó, nếu nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu của các tháng trước, chúng ta có thể thấy sự cải thiện và cố gắng của các DN xuất khẩu.
Vì vậy, với nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cuối năm cũng như thông lệ chung trong tháng 12, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ còn cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Theo ước tính của chúng tôi, có thể hết tháng 12, chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức gần bằng với mục tiêu đề ra là xấp xỉ 10% và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 5%.
Thực tế năm nay cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như linh kiện điện tử, dệt may, da giầy. Trong khi đó, nhóm hàng thế mạnh là nông, thủy sản lại có sự sụt giảm. Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Thứ nhất, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hiện là thế mạnh của ta, nhưng về trung và dài hạn, các mặt hàng này ngày càng mất dần những lợi thế trong sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, định hướng của chúng ta là về lâu dài phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng chế biến cao. Thứ hai, năm 2015, thị trường thế giới chưa hồi phục là nguyên nhân khiến xuất khẩu nhóm hàng này giảm.
Điểm thứ ba là điểm yếu của chúng ta, liên quan đến xu thế bảo hộ của rất nhiều thị trường lớn. Các quốc gia trên thế giới tăng cường nhiều hơn những hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu, điển hình là những yêu cầu rất cao của thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU đối với mặt hàng thực phẩm, lương thực.
Việt Nam vừa ký kết thành công một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chuẩn bị tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào đầu năm tới. Thứ trưởng nhận định thế nào về những cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu từ bước ngoặt lớn của hội nhập này?
Đây là yếu tố tạo tiền đề rất tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, trong đó đặt biệt quan trọng như FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc và tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp tạo động lực tăng trưởng mới cho hoạt động thương mại, đầu tư, là cú hích đối với tăng trưởng xuất khẩu, từ đó góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Chúng ta cần tập trung khai thác, phát huy hết những cơ hội của thị trường, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập mới, giúp các doanh nghiệp không chỉ có năng lực cạnh tranh cao hơn mà còn có điều kiện thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận những chính sách của Chính phủ, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa khu vực tư và khu vực công.