Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cần có giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường mới, phát triển các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Ảnh: Đ.T

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cần có giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường mới, phát triển các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Ảnh: Đ.T

Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc

Đà giảm tốc xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2016 thậm chí còn mạnh hơn cả năm trước, báo hiệu một năm xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn và có thể thời điểm tăng trưởng xuất khẩu “tới ngưỡng” sắp bắt đầu.

Số liệu được Tổng cục Thống kê ước tính, tháng 4/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô ước đạt 9,98 tỷ USD, giảm 8,5%, còn khu vực trong nước ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước.

Trong khi đó, tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6,0% (tương đương 3 tỷ USD). Trong đó, khu vực FDI, kể cả dầu thô tăng 7,3%, còn khu vực đầu tư trong nước tăng 2,9%.

Một tín hiệu tích cực là xuất khẩu của khu vực trong nước đã bắt đầu có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhìn vào sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2014, cũng như sự giảm tốc tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng qua, không thể không lo lắng. “Năm 2016 sẽ là một năm khó khăn trong sản xuất công nghiệp cũng như trong xuất nhập khẩu”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận.

4 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường ASEAN ước chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5%, còn xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%...    

Cũng phải nhắc lại rằng, năm 2015, sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu (10%). Nguyên nhân được chỉ ra là do giá xuất khẩu dầu thô giảm mạnh và do những khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tình hình đang tiếp tục trong năm 2016, thậm chí còn xấu hơn.

Con số được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc tới, đó là xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 678 triệu USD, giảm 52,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng chỉ giảm 22,2%. Những tháng đầu năm, giá dầu thô chỉ đạt mức bình quân 36 USD/thùng, giảm 38,4% so cùng kỳ, tác động mạnh tới kim ngạch xuất khẩu dầu thô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Điều đáng nói là, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu giảm tốc không chỉ vì xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu khoáng sản giảm tới 44,9% (xuất khẩu than đá cũng ước đạt 86.000 tấn, giảm 88,5% về lượng và giảm 91,4% về kim ngạch), mà còn vì ngay cả nhóm hàng công nghiệp chế biến - vốn là “cứu cánh” cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước cũng giảm tốc.

"Tình hình sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tác động tới sức mua của không chỉ thị trường Trung Quốc, mà cả thị trường toàn cầu" - ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. “Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm này như dệt may, da giày, linh kiện điện tử có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015”, ông Lâm nhận xét.

FDI chính là khu vực luôn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, góp phần quan trọng “kéo” tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên cao. Song 4 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI cũng chỉ đạt 7,3%, còn thấp hơn cả mục tiêu đề ra, nên không thể giúp sức đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên cao. Con số tăng trưởng xuất khẩu của 4 tháng chỉ là 6% - quá thấp so với mục tiêu điều hành năm 2016 (tăng 10%).

“Tình hình sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tác động tới sức mua của không chỉ thị trường Trung Quốc, mà cả thị trường toàn cầu. Sự bất ổn và khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhất là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói.

Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường ASEAN ước chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5%, còn xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%...

Dù theo Tổng cục Thống kê, việc xuất khẩu tháng 4/2016 giảm so với tháng trước là do tháng này có số lượng ngày làm việc ít hơn 3 ngày so với tháng trước, nhưng một điều rõ ràng là tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm khá mạnh, nếu không có giải pháp thúc đẩy thì năm 2016, nguy cơ không đạt mục tiêu này là hoàn toàn có thể.

Ở đây cũng cần nhấn mạnh một điều đã từng được các chuyên gia kinh tế nhắc tới, đó là ở một thời điểm nào đó, khi tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã “tới ngưỡng” thì không thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nào cũng tăng cao. Nhìn vào con số trong thực tế trong 4 tháng qua, chẳng hạn xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng trưởng 23,8%; nhưng dệt may chỉ còn tăng trưởng 6,2%; giày dép tăng trưởng 4,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 6,8%, thì có thể thời điểm “tới ngưỡng” sắp bắt đầu.

Nếu vậy, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cần có giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường mới, cũng như phát triển các mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Trong đó, một trong những giải pháp được nhấn mạnh là tăng cường phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời, chủ động, tích cực trong đàm phán FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Lâu nay, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại.

Tin bài liên quan