Tăng trưởng xanh sẽ trở thành xu thế toàn cầu

Tăng trưởng xanh sẽ trở thành xu thế toàn cầu

(ĐTCK) Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. 

Đối với Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của mình.

Tích hợp phát triển và tăng trưởng xanh

Tăng trưởng kinh tế được coi là nền tảng để xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Vấn đề đáng quan tâm là tính bền vững của quá trình tăng trưởng này. Một số mô hình tăng trưởng hiện nay đang làm cạn kiệt và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến gia tăng bất bình đằng. Do đó, mô hình tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, xóa đói giảm nghèo và hòa nhập xã hội rất được quan tâm.

“Tăng trưởng xanh” là hướng tiếp cận mới, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thời điểm hiện nay là phù hợp để Việt Nam xem xét lại con đường phát triển bền vững, tiến tới tăng trưởng bền vững, hòa nhập và chống chọi với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng nhờ có sự tăng trưởng ấn tượng của hàng loạt quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự phát triển nóng này cùng với sự gia tăng dân số thế giới đã đẫn đến nhiều hệ quả như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên…

“Tăng trưởng xanh” là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ, mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững.

Tăng trưởng xanh sẽ trở thành xu thế toàn cầu ảnh 1

Mặc dù có nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhưng cách tiếp cận nào thì nội dung của tăng trưởng xanh cũng chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất-kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái...

Doanh nghiệp cần quan tâm đến phát triển xanh

Tại Việt Nam, “tăng trưởng xanh” tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, một số doanh nghiệp đã ứng dụng, nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của tăng trưởng xanh.

Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài.

Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn với đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp.

Kinh tế xanh sẽ mang lại hạnh phúc và bình đẳng cho xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu   

Tăng trưởng xanh thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập cho người dân thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường… đang là một xu thế mới mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Theo các chuyên gia, xu hướng này phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam. Gần đây, chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện và trình Chính phủ được xem là giải pháp tiếp cận nhằm tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Giải pháp này tạo việc làm và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Đồng thời, chiến lược cũng giúp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần vào nỗ lực chung của thế giới  trong giảm phát khí thải nhà kính. Năng lượng và công nghệ xanh sẽ sử dụng phổ biến.

Từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và ngày 20/3/2014, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đề ra và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Trong thực tế, số lượng các doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc nhận thức của các doanh nghiệp chưa thực sự muốn đầu tư, thực hiện tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh là xu thế toàn cầu

Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ trở thành xu thế chiến lược toàn cầu, vì thế nếu đứng ngoài cuộc, doanh nghiệp Việt có thể sẽ không trụ lại trong cạnh tranh thời đại mới.

Sở dĩ các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tăng trưởng xanh là vì biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của môi trường trong quá trình phát triển kinh tế đã và đang tạo ra mối lo cho nhiều quốc gia, đồng thời đe dọa sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Mặt trái của nền kinh tế phát triển là các vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu, môi trường bị thoái hóa, cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Từ đó, các nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả từ sự phát triển nhanh chóng  dựa trên sự khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, với nền công nghiệp xả khói bụi và chất độc hại ra môi trường.

Tăng trưởng xanh là một nội dung của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, những năm qua, nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6-7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập ở mức cao với kinh tế thế giới…

Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nặng.

Các ngành kinh tế thân thiện với môi trường chưa được phát triển, phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước, do công nghệ chậm được đổi mới với mức độ tiêu tốn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên cao…

Làm thế nào để góp sức xây dựng nền kinh tế xanh, tức là một nền kinh tế cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên? Đây là điều các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với sự phát triển chung của đất nước và theo đuổi.

Kinh tế xanh sẽ mang lại hạnh phúc và bình đẳng cho xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp sử dụng 3 nguồn lực là tài chính, xã hội và thiên nhiên. Trong quản trị doanh nghiệp theo cách truyền thống từ trước tới nay, các doanh nghiệp hướng tới nguồn lực tài chính, rồi mới đến con người. Nhưng theo quản trị hiện đại, thì kinh tế xanh phải là nền tảng, là cốt lõi quan trọng.

Vì vậy, phải gắn quản trị một cách hài hòa, hiệu quả cả 3 nguồn lực, trong đó lấy nguồn lực tài chính làm trọng tâm để hướng tới hỗ trợ và duy trì cho nguồn lực phát triển con người, quản trị nguồn lực tài nguyên.

Tin bài liên quan