Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với mức tăng 14,5%

Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với mức tăng 14,5%

Tăng trưởng về đích ngoạn mục

(ĐTCK) Những hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã được xóa bỏ khi nền kinh tế cán đích ngoạn mục với mức tăng GDP 6,81%.

Năm của kỳ tích

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2017 tăng trưởng 6,81%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2017, bất chấp những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua.

Trong đó, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với mức tăng 14,5%, cao nhất trong 6 năm qua. Đồng thời, phải kể tới sự phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, tiêu biểu như ngành thuỷ sản tăng 5,54%, lâm nghiệp tăng 5,14%...

Bên cạnh đó, các yếu tố góp sức cho tăng trưởng kinh tế còn có lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; hoạt động tái cấu trúc thị trường tài chính ngân hàng được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo dòng tiền cho nền kinh tế; việc kiểm soát và xử lý nợ xấu hiệu quả; tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế và khu vực nhà nước diễn ra tích cực với nhiều thương vụ bán vốn thành công trên cả kỳ vọng, mang lại nguồn lực quan trọng cho quốc gia...

Năm 2017, nhiều kỷ lục mới đã được ghi nhận trong kỳ tích tăng trưởng kinh tế, đáng chú ý là hoạt động thu hút FDI lập đỉnh, với tổng số vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận kỷ lục xuất nhập khẩu với tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, câu chuyện xuất khẩu tăng đột phá của Samsung đã mở màn cho sự thăng hoa của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, ngày càng nhiều các nhóm hàng xuất khẩu tham gia vào các câu lạc bộ 1 - 10 tỷ USD và lần đầu tiên, xuất khẩu hàng rau quả lập kỷ lục trên 3,5 tỷ USD, tăng 43,1% so với năm 2016. Chưa kể, 4 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD bao gồm dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, điện tử và linh kiện điện tử.

2017 còn là một năm hết sức đặc biệt khi ghi dấu ấn thành công bước đầu của Chính phủ trong cam kết xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo. Với sự kiên định, quyết tâm lớn của Nhà nước, đặc biệt là nhiệt huyết của đích thân người đứng đầu Chính phủ, cũng như sự chuyển biến tích cực của các bộ ngành, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực tư nhân. Điều này được thể hiện cụ thể ở việc Việt Nam thăng hạng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018.

Thành quả bước đầu từ mô hình nhà nước kiến tạo còn được hiện thực hóa rõ ràng và thực sự đi vào đời sống kinh doanh, tạo động lực cho sự gia tăng tích cực của số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Con số trên 150 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đưa dòng vốn trị giá gần 1.300 tỷ đồng đi vào thị trường được coi là một yếu tố quan trọng đóng góp vào kỳ tích tăng trưởng năm 2017.

Đồng thời, đây là một tín hiệu sáng, thể hiện các cam kết và quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo tiền đề mạnh mẽ đưa kinh tế tư nhân vươn lên tương xứng với vai trò, tiềm năng và tầm vóc quan trọng của khu vực này.

Tăng trưởng đi vào chiều sâu

Các chuyên gia và thành viên thị trường sẽ còn tốn nhiều tâm sức để phân tích các nguyên nhân tạo nên kỳ tích tăng trưởng năm 2017. Trong đó, một thực tế khó có thể phủ nhận là nền kinh tế đã đi vào quỹ đạo tăng trưởng có chiều sâu, không còn chạy theo số lượng và dàn trải trên mọi ngành mọi lĩnh vực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đã có sự dịch chuyển tích cực trong cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, cùng với sự triển khai mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và khu vực nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân (khu vực ngoài nhà nước) đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Theo ước tính, tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, đạt 40,6% năm 2017, cao nhất trong 3 năm qua. Xét về tỷ trọng, khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm tới 41,8%, là mức cao nhất trong 5 năm. Điều này phản ánh một thực tế, việc phát huy tốt tiềm lực của khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng và nền kinh tế sẽ không phụ thuộc lớn vào khu vực nhà nước, khu vực FDI.

Đặc biệt, trên cơ sở phân tích các yếu tố đầu vào, kết quả phân tích của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế đã có nhiều cải thiện.

Đây là dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dần đi đúng quỹ đạo phát triển theo chiều sâu, thể hiện ở sự cải thiện và gia tăng đáng kể về đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế.

Hệ số ICOR của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2017 là 6,21, thấp hơn nhiều năm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, thể hiện xu hướng sử dụng vốn đầu tư đã có sự cải thiện tích cực về hiệu quả dù chưa nhiều.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay, theo ông Lâm, là năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, dù thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất sao động cao trong ASEAN.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 mới đạt 9.894 USD, thấp hơn đáng kể so với nhiều nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Chưa kể, khoảng cách chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

“Đây là một thách thức lớn đang đặt ra, cùng với nhiều tồn tại khác vẫn chưa được giải quyết triệt để như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, gia tăng tình trạng bội chi trong cân đối thu chi ngân sách, cùng với các khó khăn khách quan từ biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, khiến nhiều thành quả kinh tế - xã hội có nguy cơ biến mất”, ông Lâm nói.

Thách thức vượt ngưỡng và tụt hậu

Những thành quả đạt được năm 2017 là đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng tạo áp lực và thách thức lớn cho nền kinh tế năm 2018, khi phải có những đột phá để vượt ngưỡng đã đạt được, tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.

Bên cạnh những thách thức nội tại, nhìn nhận một cách thẳng thắn, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho rằng, bước sang năm 2018, Việt Nam đứng trước hàng loạt vấn đề lớn.

“Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín đã chỉ ra 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trực tiếp và gián tiếp như xung đột quốc tế, thời tiết cực đoan, thất nghiệp, gian lận thương mại, đánh cắp dữ liệu…

Đặc biệt, khoảng cách ngày càng rộng giữa năng suất lao động của Việt nam và các nước trong khu vực đang đặt ra nguy cơ tụt hậu nếu không có giải pháp kịp thời. Nhất là khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển”, ông Lâm nói.

Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7 - 8%, Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương cần tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các nội hàm, phương thức vận hành của cách mạng 4.0 để hoà chung vào dòng chảy thế giới.

“Cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm thuế, phí, đảm bảo thu đúng, đủ kịp thời, chống thất thu, chuyển giá. Ngoài ra, phải giám sát chặt chi ngân sách, nhất là khoản chi thường xuyên như tiếp khách, hội họp, chi phí xe công…”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy hoạt động giải ngân đầu tư công, cơ sở hạ tầng, đảm bảo tăng trưởng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp nước ngoài, gắn với chuỗi giá trị của tập đoàn đa quốc gia.

Đáng chú ý, nhập siêu dịch vụ lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP, do đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tăng cường, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu như: Dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tài chính... nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu dịch vụ như hiện nay.

Tin bài liên quan