Chính sách tín dụng hiện nay đang phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng GDP cao

Chính sách tín dụng hiện nay đang phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng GDP cao

Tăng trưởng và chất lượng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vai trò cấp vốn cho nền kinh tế vẫn đặt chủ yếu lên vai hệ thống ngân hàng, nhưng việc tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ dẫn tới những hệ lụy cho ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Rủi ro của việc tăng trưởng tín dụng quá cao

Số liệu thống kê trong gần 10 năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam năm 2015 là 89,7%; năm 2016 là 97,6%; năm 2017 là 103,5%; năm 2018 là 102,9%; năm 2019 là 110,2%; năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%; năm 2022 là hơn 125%; năm 2023 tăng xấp xỉ 133% và đến cuối năm 2024 tiếp tục tăng lên khoảng 138%.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng toàn hệ thống so với GDP danh nghĩa ngày càng tăng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng tín dụng và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Điều này có nghĩa là, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng. Sẽ mất nhiều thời gian để các doanh nghiệp trong nước tích lũy vốn và giảm bớt đòn bẩy vay nợ từ ngân hàng.

Dư nợ tín dụng trên GDP quá cao có thể gây ra các rủi ro như gia tăng nợ xấu, nguy cơ lạm phát cao và tiềm ẩn bong bóng tài sản tài chính và bất động sản, những hệ lụy này bộc lộ rõ trong giai đoạn từ năm 2007 - 2008 và từ năm 2009 - 2011.

Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao, VIS Rating

Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao, VIS Rating

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế có thể đem lại một số vấn đề. Đầu tiên là sự chênh lệch về cơ cấu kỳ hạn huy động tiền trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động tiền gửi ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay dài hạn của doanh nghiệp lại rất lớn, đặc biệt là khi hoạt động giải ngân đầu tư công gia tăng, tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp nội địa.

Tiếp theo là câu chuyện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Chúng tôi cho rằng, cạnh tranh huy động tiền gửi sẽ gia tăng khi tăng trưởng tín dụng nóng lên. Các ngân hàng nhỏ phụ thuộc nhiều vào các khoản huy động trên thị trường liên ngân hàng ngắn hạn (hay còn gọi là thị trường 2) và có bộ đệm tài sản thanh khoản kém sẽ dễ tổn thương vì chi phí vốn cao hơn và thiếu hụt thanh khoản.

Thêm vào đó, thị trường tín dụng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng. Các khoản vay ngân hàng là kênh cấp vốn chính, trong khi nguồn vốn dài hạn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 11% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Đa dạng hóa kênh huy động vốn cùng với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nội địa sẽ giúp giảm bớt một số áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Tín dụng chảy mạnh vào các ngành có rủi ro cao hơn, chẳng hạn như bất động sản và xây dựng, cùng với vấn đề rủi ro trong quản trị vẫn là những điểm lo ngại chính đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Trong gần 3 năm, tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9/2024, tín dụng đối với các ngành này đã tăng trưởng kép hàng năm khoảng 18%, vượt xa mức tăng tín dụng bình quân chung là 13 - 14%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng có mối liên kết chặt chẽ với các tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Thời gian gần đây, vấn đề rủi ro trong quản trị ngân hàng đã nảy sinh khi một số cá nhân có vị trí ảnh hưởng trong các ngân hàng và các tập đoàn lớn - dưới hình thức là cổ đông hay thành viên hội đồng quản trị - tác động để điều phối nguồn lực của ngân hàng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Những mối liên kết chặt chẽ này tạo ra rủi ro hoạt động đáng kể cho các ngân hàng và làm tăng tính dễ tổn thương khi doanh nghiệp liên quan gặp khó khăn, khiến cho lòng tin của thị trường suy giảm và ngân hàng đứng trước nguy cơ bị rút tiền hàng loạt.

Đầu tư công, yếu tố quan trọng duy trì triển vọng kinh tế

Tăng trưởng tín dụng cao hơn thường dẫn tới việc tăng cung tiền trong nền kinh tế và người đi vay có thể dễ dàng vay nợ hơn. Kết quả là người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng vay và chi tiêu nhiều hơn. Lượng cung tiền trong nền kinh tế tăng lên thường đẩy giá tài sản như bất động sản và cổ phiếu. Tình trạng này tạo ra hiệu ứng thịnh vượng về tài sản (wealth effect) khi mọi người cảm thấy giàu có hơn và chi tiêu nhiều hơn, đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên sẽ đẩy giá cả lên cao, dẫn đến tăng lạm phát.

Chúng tôi cho rằng, lạm phát năm 2025 sẽ được duy trì trong mức mục tiêu đã đề ra nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và sự ổn định thị trường hàng hóa thương phẩm toàn cầu. Tại Hội nghị thường trực Chính phủ, diễn ra vào ngày 11/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng tăng trưởng tín dụng. Nếu lạm phát được giữ ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên và ngược lại.

Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu CPI trung bình cả năm tăng 4,5%, mức này cao hơn so với thực tế năm 2024 (khoảng 3%). Đây là tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý đã nhận thức được rủi ro từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn và chấp nhận một mức lạm phát cao vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó, xu hướng ổn định của giá hàng hóa thương phẩm toàn cầu (chẳng hạn như dầu thô, phân bón, kim loại và gạo) trong quý IV/2024 và đầu năm 2025 sẽ hỗ trợ chi phí sản xuất ổn định và cân bằng rủi ro từ việc tăng trưởng tín dụng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%.

Có thể thấy, chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nhưng để hạn chế tác động không mong muốn của việc bơm thêm tiền vào thị trường, tín dụng cần được hướng tới các lĩnh vực sản xuất có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, thay vì chảy sang hoạt động đầu cơ tài sản tài chính và bất động sản.

Sau các thay đổi chính sách trong năm 2024, ưu tiên của Chính phủ trong năm 2025 là tập trung nhiều hơn vào đầu tư công để kích thích nền kinh tế. Chúng tôi nhận thấy rằng, đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu là những trụ cột quan trọng để duy trì triển vọng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 của Quốc hội.

Tin bài liên quan