Ðược biết là Agribank đi đầu khi tham gia vào nhiều dự án liên quan tới bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế tài trợ như hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp, điện gió, chống hạn mặn… Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các chương trình này?
Trong thời gian vừa qua, có nhiều ngân hàng tăng cường cho vay các dự án năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời…
Với sứ mệnh tiên phong trong thực thi chính sách “Tam nông”, Agribank luôn ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và bảo vệ môi trường xanh - sạch - an toàn.
Agribank đã tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do WB và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp;
Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Ðồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Ðồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…
Ðồng thời, Agribank chủ động hợp tác với các tổ chức tín dụng trong nước khác để cùng tài trợ vốn cho các dự án xanh như Nhà máy Ðiện mặt trời Phong Ðiền tại Thừa Thiên - Huế, Nhà máy Ðiện mặt trời tại Khánh Hòa…
Các dự án được triển khai đã góp phần tích cực vào thực hiện chính sách của Nhà nước, các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các dự án cũng đem lại hiệu quả xã hội và môi trường lớn như giảm áp lực thiếu điện, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân, tăng nguồn lực cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Ông có thể cho biết, chính sách dành cho tín dụng xanh của Agribank hiện như thế nào và thực tế triển khai ra sao?
Nhằm đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, từ cuối năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn.
Ðặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, Agribank ưu tiên cho các dự án điện mặt trời và điện gió tại các khu vực có tiềm năng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)
Ngoài ra, Agribank đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững.
Ðến hết quý II/2019, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank đạt 6.065 tỷ đồng với 859 khách hàng, trong đó dư nợ nông nghiệp xanh đạt 647 tỷ đồng, gồm 24 khách hàng; lâm nghiệp bền vững đạt 77 tỷ đồng, gồm 672 khách hàng; công nghiệp xanh đạt 906 tỷ đồng, gồm 5 khách hàng;
Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 4.068 tỷ đồng (riêng điện mặt trời là 2.148 tỷ đồng), gồm 28 khách hàng; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên đạt 37 tỷ đồng, với 1 khách hàng; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm đạt 259 tỷ đồng, gồm 128 khách hàng; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn đạt 71 tỷ đồng, với 1 khách hàng.
Theo ông, nếu so sánh đầu tư cho tín dụng xanh và tín dụng thông thường thì hiệu quả có khác biệt, kể cả thu nhập và chi phí triển khai?
Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm…,
Việt Nam đặt ra mục tiêu không chỉ tăng trưởng nhanh, mà phải tăng trưởng xanh và bền vững, nên việc hướng dòng vốn tín dụng sang lĩnh vực xanh, công nghệ cao và năng lượng mặt trời là tất yếu nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi việc đầu tư vốn vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên tiềm ẩn về nợ xấu.
Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng xanh chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thực tế.
Tuy nhiên, với mục tiêu và tầm nhìn chiến lược, Agribank sẽ tiếp tục hướng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực xanh để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững, cũng như thực hiện nhiệm vụ Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời thực hiện thành công Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia và tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng tập trung đầu tư cho tín dụng xanh của các ngân hàng hiện nay và lời khuyên nào cho các doanh nghiệp và hộ nông dân trong quá trình sản xuất để phù hợp với tiêu chí các chương trình tín dụng xanh?
Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, trong Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực xanh tính đến cuối năm 2018 đạt 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), xuất khẩu (3,5%)…; dư nợ các tổ chức tín dụng cho vay vào lĩnh vực này ước lên đến 235.717 tỷ đồng.
Ðiều này cho thấy, dòng vốn ngân hàng chảy vào lĩnh vực xanh đang tăng lên. Hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 19 tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ.
Ðối với người đi vay, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng để đủ điều kiện cấp vốn.
Ngược lại, các ngân hàng coi tín dụng xanh vừa là cơ hội kinh doanh tiềm năng, vừa là thách thức, bởi đây là lĩnh vực rất kén chủ đầu tư, không phải cứ có tiền là đều có thể đầu tư được, song cũng là xu hướng phát triển tất yếu.
Do vậy, đòi hỏi nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ thị trường, đầu ra - đầu vào, hiệu quả của phương án, dự án khi quyết định đầu tư và đặc biệt là khi cả hai bên đều có chung một mục tiêu.
Agribank cam kết luôn đồng hành cùng với khách hàng trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đáp ứng đủ vốn cho đầu tư tín dụng xanh.