Để khơi thông dòng chảy tín dụng, nhất là đối với tín dụng bất động sản lúc này có phải quá khó khi nhiều gói ưu đãi được đưa ra nhưng giải ngân vẫn chậm, thưa ông?
Tôi cho rằng, cung cầu vốn trên thị trường vẫn là yếu tố quyết định vấn đề này. Hiện nhu cầu vốn vẫn thấp, nhưng một khi tạo được niềm tin cho thị trường thì không khó để khơi thông được dòng chảy tín dụng. Bởi nếu người tiêu dùng có niềm tin trong tương lai, chắc chắn sẽ tiếp cận vốn vay để mua nhà, tiêu dùng… Và khi sức mua tăng, tồn kho của doanh nghiệp giảm, kéo theo nhu cầu vốn vay tăng lên. Do đó, điều quan trọng trước hết là phải tạo được niềm tin.
Theo ông, thời điểm này đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động cho vay hay chưa?
Nếu nói mọi thứ đã ổn thì chưa thể khẳng định, vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi cả ngân hàng và doanh nghiệp phải nỗ lực cùng nhau tháo gỡ mới có thể khơi thông được dòng chảy về vốn tín dụng. Đồng thời, điều đó cũng còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế vĩ mô.
Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kích cầu, trong đó có kích cầu tín dụng bất động sản và giảm trần lãi suất cho vay xuống mức 8%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ). Nhưng tín dụng chưa thể kỳ vọng tăng trưởng đột biến trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi phải có thời gian và độ trễ để các chính sách đi vào thực tiễn mới tác động tích cực lên thị trường.
Vậy cái khó nhất trong tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay là gì?
Cái khó nhất hiện nay đối với tăng trưởng tín dụng chính là sức mua của thị trường yếu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nên nhu cầu vốn không cao. Bên cạnh đó, diễn biến nợ xấu còn phức tạp cũng là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới khi lãi suất giảm và kinh tế dần hồi phục.
Điều đó cũng được chứng minh khi đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng toàn ngành đã dương trở lại, với mức tăng trưởng trên 1% và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra cả năm nay là khoảng 12 - 14%.
Giải pháp nào có thể khơi thông được dòng chảy tín dụng trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Mỗi ngân hàng sẽ có giải pháp và biện pháp riêng để khơi thông dòng chảy tín dụng dựa trên từng phân khúc và hệ khách hàng mình có. Tùy khẩu vị rủi ro mà các ngân hàng có thể bơm tiền cho khách hàng, cũng như rót vốn vào những phân khúc khách hàng, lĩnh vực tín dụng nhất định nào đó.
Trong lúc này, các ngân hàng sẽ rất khó có thể hạ chuẩn cho vay, bởi đây được xem là con dao 2 lưỡi. Nếu hạ chuẩn hôm nay để kích tăng trưởng tín dụng, rất có thể ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rất lớn cho ngày mai…
Do đó, việc kiểm soát chất lượng tín dụng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Lãi suất hiện không còn là rào cản và yếu tố quyết định đối với tăng trưởng dư nợ tín dụng, mà quan trọng hơn vẫn chính là đầu ra của sản phẩm. Vì thế, doanh nghiệp không thể kêu khó tiếp cận vốn của ngân hàng do lãi suất.
Vậy nguyên nhân chính là nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo cạn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn dù dự án khả thi?
Chưa hẳn do thiếu tài sản đảm bảo mà các ngân hàng hạn chế rót vốn cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, các ngân hàng vẫn cho vay tín chấp nếu doanh nghiệp đó có sức khỏe tốt và dự án kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, trước khi quyết định trao vốn, ngân hàng cũng phải có sự kiểm tra rất kỹ lưỡng. Theo đó, tín dụng thời gian tới sẽ đi vào chất lượng nhiều hơn.
Vì thế, để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng nhanh trong quý này là chưa thể, khả năng phải đến quý III, quý IV mới có thể nhìn thấy được điều đó. Quan trọng trong lúc này là phải có thêm các chương trình kích cầu để tăng sức mua của thị trường. Hàng hóa doanh nghiệp làm ra tiêu thụ được thì nhu cầu vốn mới tăng.
Đối với NamA Bank, tín dụng 3 tháng đầu năm của Ngân hàng tăng trưởng ra sao, thưa ông?
Riêng với NamA Bank đã có một hệ khách hàng, trong đó phải kể đến phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chè, cà phê…, nên đã có sự tăng trưởng tương đối ổn định đối với hoạt động cho vay.
3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của NamA Bank đạt gần 10% và kế hoạch trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ở lĩnh vực nói trên. Do đó, nếu hết “room” tăng trưởng dư nợ, chúng tôi sẽ xin tăng thêm. Hiện dư nợ tín dụng doanh nghiệp của Ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng dư nợ, phần còn lại thuộc về khối khách hàng cá nhân. Chủ trương của NamA Bank trong năm nay là tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở phân khúc nhỏ, lẻ.