Trong bối cảnh hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất sau Tết khó có khả năng giảm, nhưng trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng: “Dư địa để giảm lãi suất sau Tết là thoải mái bởi năm nay không được tăng trưởng tín dụng, tiền dư trong ngân hàng nhiều”.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần khu vực phía Nam nói: “Phải đợi đến cuối năm hoạt động cho vay mới được đẩy mạnh hơn, trong khi tăng trưởng huy động vốn duy trì ổn định.
Theo đó, chênh lệch huy động - cho vay trên toàn hệ thống ngân hàng đã thu hẹp khoảng 27.000 tỷ đồng so với mức cuối tháng 10.
Tính từ đầu năm, tăng trưởng huy động và cho vay tiền đồng đạt khoảng 11,34% và 11,53%”.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 24/12, trên nghiệp vụ thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm, nhưng không trúng thầu.
Với 6.638 tỷ đồng được đáo hạn trên kênh này, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng lượng tiền tương ứng, số dư OMO giảm xuống 12.882 tỷ đồng.
Thanh khoản toàn hệ thống dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm, nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng có vốn nhà nước (chiếm gần 50% thị phần toàn hệ thống) không dám đẩy mạnh tín dụng bởi hệ số an toàn vốn (CAR) đã ở sát ngưỡng tối thiểu, dẫn tới kéo lùi tốc độ tín dụng chung của toàn ngành.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong hoạt động ngân hàng, yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có tỷ lệ vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) đang sát ngưỡng yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn.
“Nếu không được tăng vốn, các ngân hàng này sẽ phải hạn chế hoặc dừng cấp tín dụng. Điều này ảnh hưởng lớn tới nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi tại Việt Nam, việc phát triển của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc cấp tín dụng của ngân hàng”, bà Hồng nhấn mạnh.
BIDV đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Thông tư 41 từ ngày 1/12/2019, sau khi bán thành công 15% cổ phần cho KEB Hanna Bank để tăng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa khả năng cung cấp tín dụng của BIDV được nâng lên, nhưng khó có thể thay đổi được cục diện của hệ thống bởi thời gian 1 tháng là quá ngắn.
Trong khi đó, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình.
Do đó, vấn đề này chưa được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội 2020.
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, kết quả tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại chủ yếu đến từ khối ngân hàng có vốn nhà nước (gồm BIDV, Vietinbank và Agribank,) trong khi thành tích tại các ngân hàng tư nhân rất ấn tượng.
Vị phó tổng giám đốc ngân hàng trên tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một vài ngân hàng, nhưng cũng không còn nhiều thời gian nên sẽ không tác động nhiều đến dư nợ toàn hệ thống.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, vị này nêu quan điểm, chênh lệch huy động vốn - tín dụng có thể sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng trong tháng 12 khi hoạt động tín dụng thường có xu hướng được đẩy mạnh vào tháng cuối năm.
Dự kiến đến hết năm nay, tăng trưởng huy động - cho vay tiền đồng đạt khoảng 12-13%.
Dựa theo tình hình tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết, VDSC ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể đạt 13,2%.
Trước đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng dự báo, tín dụng năm 2019 chỉ tăng khoảng 12-13%.
“Tăng trưởng tín dụng năm nay khả năng sẽ đạt khoảng 13%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong thập kỷ qua tại Việt Nam”, lãnh đạo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) thông tin.