Tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Bà dự cảm thế nào về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2024?

Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi tăng trưởng GDP duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%; quý IV tăng 6,7%). Bước sang năm 2024, các động lực tăng trưởng kinh tế đang dần khởi động.

Thứ nhất, tôi cho rằng, xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng trưởng dương 6 - 7% nhờ thương mại toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, cao hơn mức 0,8% trong năm 2023, chủ yếu nhờ hàng tồn kho thế giới đã tạo đáy cũng như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể (theo WTO). Bên cạnh đó, nhu cầu của thế giới với sản phẩm điện thoại và linh kiện điện tử, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, đang có xu hướng tạo đáy và phục hồi sớm từ quý IV/2023, để đáp ứng ngành sản xuất chip và nhu cầu ứng dụng công nghệ AI đang diễn ra mạnh mẽ.

Thứ hai, năm 2024 được xem là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Hiện hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, do đó, năm nay là thời điểm đẩy nhanh tiến độ. Khi các nút thắt đầu tư những năm trước đã được tháo gỡ, ví dụ, công tác chỉ định thầu đẩy nhanh quá trình giao thầu, việc khai thác các mỏ đất đá mới đã được cấp phép, giá nguyên vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt so với giai đoạn 2021 - 2022…, giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 sẽ đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch, tương ứng với tăng trưởng 38 - 45% so với năm 2023.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thứ ba, tiêu dùng bán lẻ đang phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2023, tháng 11 tăng 10,1%, tháng 12 tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng của bán lẻ đã tăng trở lại kể từ tháng 5 năm ngoái sau khi trải qua xu hướng giảm, trong bối cảnh người tiêu dùng nhạy cảm về giá thì hoạt động bán lẻ trong 2 tháng cuối năm diễn ra sôi động hơn so với mức nền thấp của năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 7,1% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng).

Năm 2023, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cũng dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Với nhận định các động lực tăng trưởng kinh tế đang dần khởi động, chắc hẳn tín dụng sẽ được khởi sắc?

Những ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp cao sẽ có lợi thế hơn khi cầu tín dụng phục hồi nhanh hơn.

Trong bối cảnh vĩ mô lạc quan hơn, tôi cho rằng, nhu cầu tín dụng sẽ cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp cũng như thị trường bất động sản phần nào được khơi thông.

Tính đến cuối năm 2023, hầu hết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đều ở dưới mức 6%/năm. Các ngân hàng thương mại lớn đều đưa lãi suất này về mức xấp xỉ 5 - 5,25%/năm, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid (2020 - 2021). Với dự báo lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đảo chiều và hạ xuống mức 4 - 4,5%/năm vào cuối năm 2024, áp lực lên tỷ giá không quá lớn, lãi suất cho vay sẽ vẫn duy trì ở mức mặt bằng thấp trong năm nay.

Về thị trường bất động sản, theo thống kê của CBRE, nguồn cung tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến tăng trưởng lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ, chủ yếu do các chủ đầu tư đã tự tin và dần mở bán các dự án thời điểm cuối năm 2023. Với những lý do trên, việc Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại tận dụng được thời điểm để đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có lợi thế đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Tôi tin rằng, những ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp cao sẽ có lợi thế hơn khi cầu tín dụng phục hồi nhanh hơn. Ngược lại, những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ và có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi tác động kép từ nhu cầu tín dụng yếu và cũng như cạnh tranh về lãi suất cho vay. Xu hướng này vốn đã diễn ra trong quý IV/2023 và sẽ tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2024, khi nhu cầu tín dụng bán lẻ chưa thể phục hồi.

Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm 2024 khi tỷ lệ nợ xấu vẫn đang cao. Các ngân hàng buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng.

Cầu tín dụng được cải thiện trong các tháng cuối năm 2023

Cầu tín dụng được cải thiện trong các tháng cuối năm 2023

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh, nhưng nợ xấu vẫn tăng nhanh và rất cao. Nợ xấu cao do nhiều doanh nghiệp và người dân không có khả năng trả nợ. Trong bối cảnh như vậy mà hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới an toàn hệ thống. Đây là nguyên nhân mà Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết của việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo bà, rủi ro suy giảm chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trong năm 2024 như thế nào?

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tại quý III/2023 đạt 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với năm 2022 và là mức cao nhất từ năm 2015 tới nay. Hầu như tất cả các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ đã giúp tỷ lệ nợ xấu và sự sụt giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm tốc. Nợ xấu toàn ngành tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% cuối quý II/2023 nhưng chỉ tăng 10 điểm cơ bản trong quý III/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm hơn 21% trong 6 tháng năm 2023 nhưng chỉ giảm 5,8% trong quý III/2023.

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ gây áp lực lên thị trường trái phiếu cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản dân cư vẫn chưa cải thiện đáng kể trong quý cuối năm ngoái. Tỷ trọng hàng tồn kho và người mua trả tiền trước trên tổng tài sản cũng đang trong xu hướng giảm do thị trường bất động sản ảm đạm. Giá trị hàng tồn kho cuối quý III/2023 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đạt 453.400 tỷ đồng, gần như không có thay đổi so với đầu năm, cho thấy các dự án bất động sản đang tạm dừng triển khai. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh và nguồn vốn của doanh nghiệp bị “đóng băng” tại các dự án dở dang. Hơn nữa, người mua trả tiền trước giảm 5% so với cùng kỳ cho thấy các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong mở bán sản phẩm.

Ước tính giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý IV/2023 và năm 2024 lần lượt là 12.172 tỷ đồng và 125.305 tỷ đồng, giảm 29% và 5% so với trước khi mua lại. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với khoảng 70% giá trị chậm trả. Trong khi đó, gần 70% tài sản thế chấp tại hệ thống ngân hàng là tài sản bất động sản. Nếu thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài hơn, các ngành kinh tế khác chưa kịp lấy lại đà phục hồi, áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng sẽ tạo điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan