Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 10,08%.
Nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra hồi đầu năm nay là 17 - 18% nhằm bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thị trường chung nhận định, ngành ngân hàng khó hoàn thành, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, với tình hình hiện tại, tăng trưởng tín dụng khó đạt được mức 17%.
Một mặt, các ngân hàng vẫn đang hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp tốt; mặt khác, lại lựa chọn rất kỹ doanh nghiệp để cho vay vì các ngân hàng đều chịu mức trần tín dụng rất hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xin nới “room” tăng trưởng tín dụng là rất khó.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 khoảng 15% là đủ.
“Tôi từng chia sẻ phép tính nếu GDP đặt ra là 6,7%, nhân mức này với 2,5 thì tăng trưởng tín dụng vào khoảng 16,75%. Nhưng tăng trưởng tín dụng ở mức 15% trong năm nay là hợp lý.
Lý do là, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm khá tốt, nền kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% mà không nhất định phải dùng công cụ tăng trưởng tín dụng. Khi tăng trưởng tín dụng đã khả quan, Nhà nước nên quan tâm đến việc ổn định tiền đồng, kiểm soát lạm phát”, TS Hiếu phân tích .
Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện là 135%. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ dùng đòn bẩy vốn. Việc chấp nhận rủi ro quá mức có khả năng dẫn đến chất lượng tín dụng hay các tài sản đảm bảo có thể xấu đi,
- ông Sebastian Eckard, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Cũng theo TS. Hiếu, giá dầu, thực phẩm, dịch vụ y tế đang tăng mạnh, ngoài ra là câu chuyện tỷ giá đang gây áp lực lên chỉ số lạm phát.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ phá giá VND ở mức độ nhỏ, nhưng hàng nhập khẩu tính theo USD sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu hòa chung vào rổ hàng hóa ở trong nước sẽ đẩy lạm phát lên, nguy cơ không kiểm soát được lạm phát ở mức 4% là hiện hữu.
“Tín dụng tăng trưởng có nghĩa là đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Hạn chế tăng trưởng tín dụng có nghĩa là hạn chế lượng tiền trong lưu thông, từ đó kiểm soát lạm phát ở mức 4%”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Chia sẻ góc nhìn về câu chuyện chính sách tăng trưởng tín dụng, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản.
Nỗ lực trên có thể được bổ trợ bằng các biện pháp cẩn trọng vĩ mô nhằm ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân.
“Tăng trưởng tín dụng là vấn đề lâu dài ở Việt Nam. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện có quy mô tương đối lớn, với mức tăng trưởng cao ngoài phần dư nợ tín dụng đã lớn như hiện nay. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện là 135%.
Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ dùng đòn bẩy vốn. Việc chấp nhận rủi ro quá mức có khả năng dẫn đến chất lượng tín dụng hay các tài sản đảm bảo có thể xấu đi”, ông Sebastian Eckardt khuyến cáo.
Cũng theo ông Sebastian Eckardt, tăng trưởng tín dụng nhìn về dài hạn có thể sẽ trên mức tiềm năng, trong khi tín dụng cần dựa vào yếu tố căn bản của nền kinh tế, cần đảm bảo phản ánh được các chỉ tiêu đã đề ra, đảm bảo nhu cầu đầu tư hay hành vi người đi vay.
Dù mức tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng còn cách khá xa mục tiêu và một số ngân hàng đã “tiêu” gần hết room tín dụng trong 6 tháng đầu năm, nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là sẽ không nới room tín dụng.
Theo đó, trong tháng 8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt như một số tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém).
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…