Kỳ vọng cuối năm
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, có thể nhu cầu vốn của DN sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng nhanh là rất khó, vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là DN còn yếu.
“8 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng chúng tôi đạt khoảng 6%, nhưng chỉ tập trung vào các khách hàng cũ. Để mở rộng được thị phần tín dụng trước tình hình hiện nay không dễ dàng, bởi nợ xấu vẫn là mối lo ngại lớn”, vị tổng giám đốc trên nói.
Lãnh đạo Ngân hàng OCB cũng cho rằng, khả năng dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn những tháng gần cuối năm, nhất là thời điểm cuối quý IV khi các DN vào mùa kinh doanh cao điểm và lãi suất cũng giảm dần. Đây sẽ là cơ hội tốt để ngân hàng cho vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, ước 8 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn đạt khoảng 4,68% so với mức tăng cuối tháng 7 là 4,25%. Nhưng theo ông Minh, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang có chiều hướng chậm lại.
Vì thế, trong thời gian còn lại của năm, các ngân hàng trên địa bàn cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN.
Tính đến cuối tháng 8/2014, tổng nguồn vốn giải ngân của chương trình đạt mức 21.000 tỷ đồng và chỉ tiêu UBND TP. HCM đưa ra từ nay đến cuối năm, tổng vốn giải ngân sẽ đạt 30.000 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, kích tín dụng tăng nhanh hơn. Vì thế, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt mục tiêu 12 - 14%.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng xấp xỉ 10% trong 7 tháng đầu năm và Sacombank kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 12 - 14% cho năm nay. Thông thường, những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng thừa nhận, quy luật này không còn được giữ vững trong gần 2 năm nay, khi nhu cầu vốn cuối năm của DN không tăng cao như kỳ vọng. Mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều so với trước và đồng vốn ngân hàng đưa ra thị trường cũng ngày một nhiều hơn, song cầu về vốn của DN vẫn khó tăng trước tình hình sức mua và tồn kho chưa được cải thiện.
Thực tế, bên cạnh những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng dương, đến thời điểm này vẫn còn khá nhiều nhà băng chưa thoát âm tăng trưởng dư nợ như Eximbank tăng trưởng tín dụng giảm 3% trong 6 tháng. Ngoài ra, còn có DongA Bank, VietA Bank…, tín dụng vẫn tăng trưởng âm, cho dù đã nỗ lực giảm lãi suất, kích cầu vốn.
Liệu có khởi sắc?
Một trong những nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng thấp, theo lý giải của ông Nguyễn Hoàng Minh, là do các nhà băng phải xử lý lượng lớn nợ xấu trong thời gian vừa qua. Chính điều này đã khiến tổng dư nợ của ngân hàng rơi vào tình trạng âm, nhưng bù lại sẽ đảm bảo được an toàn hoạt động. Mặt khác, theo ông Minh, nhu cầu vốn của DN hiện cũng chưa tăng nhiều so với 2 quý đầu năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm khá mạnh. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với khách hàng là DN chỉ là 7 - 8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và tối đa 11%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, lãi suất chỉ thể hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ. Khi kinh tế suy thoái, phải giảm lãi suất để kỳ vọng khơi thông dòng chảy tín dụng, kích cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông Sơn, để khơi thông được dòng vốn tín dụng trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi có thêm nhiều giải pháp, không chỉ nguyên việc giảm lãi suất. Bởi tồn kho nhiều và sức mua yếu, kéo theo nợ xấu DN gia tăng, ngân hàng không dám mở hầu bao cho vay, vì ngại rủi ro. Vì thế, các DN cần vốn, nhưng có nợ xấu sẽ rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Còn với các DN tốt, có dự án khả thi trong lúc này lại chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay. Vì thế, dù lãi suất cho vay được các ngân hàng ưu đãi và thậm chí giảm xuống rất thấp cũng khó khơi thông được vốn.
Chính một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, đưa vốn ra thị trường lúc này không dễ. Vì ngoài kiểm soát chất lượng tín dụng của ngân hàng, thì những khoản vay lớn đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan, ban ngành khác. Do đó, chỉ với những khách hàng thực sự khỏe mạnh về tài chính, có dự án kinh doanh tốt, ngân hàng mới cho vay.
Thực tế cho thấy, để kích cầu tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm, với kỳ vọng đạt mục tiêu 12 - 14%, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp. Mới đây nhất là chỉ đạo các NHTM trong việc xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cường cho vay tín chấp. Thế nhưng, xem ra rất khó đạt được kết quả tốt, bởi nợ xấu vẫn theo xu hướng tăng, nên các ngân hàng ngại đẩy mạnh cho vay không tài sản đảm bảo.
Còn nhớ, vào giữa tháng 10/2013, để kích cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản cho phép các NHTM được triển khai tín dụng và cấp vốn đối với DN đang có nợ xấu, nếu xét thấy dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh khả thi. Nhưng bản thân các NHTM, vì sự an toàn của chính mình, không trao vốn cho DN đang có nợ xấu cao, dù dự án kinh doanh khả thi. Do đó, kết quả thực hiện chủ trương trên khá hạn chế.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng không tăng được do xuất phát từ cả hai nguyên nhân: rào cản nợ xấu vẫn là “cục máu đông” và sức khỏe của cộng đồng DN chưa được cải thiện nhiều. Vì thế, trước tình hình sức mua hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm nay là không dễ, mặc dù mục tiêu này không cao.
Trên thực tế, sức mua của thị trường hiện chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Điều đó được phản ánh qua chỉ số CPI tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ tháng 8/2013. Sức mua yếu, tồn kho tăng nên các DN không thể tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Do vậy, nhu cầu sử dụng vốn vay ngân hàng cũng giảm mạnh. Theo các chuyên gia, DN chưa tái mở rộng đầu tư, kinh doanh là do chưa có niềm tin về sự hồi phục trong thời gian tới, khi sức mua vẫn yếu.
Dư nợ toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 26/8 tăng 4,45%. Vì thế, để đạt chỉ tiêu đề ra, tín dụng năm nay sẽ khó tránh “dồn cục” và tăng nhanh vào cuối năm. Theo các chuyên gia, điều đó sẽ không tốt cho nền kinh tế, vì tín dụng phải tăng đều thì sản xuất - kinh doanh của DN mới thực sự hiệu quả, thay vì dồn dập trong một thời gian ngắn.