Cần đề phòng rủi ro
Trong quý I/2017, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước được UBGS cho là dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng tín dụng tới 4,9%. Tại Vietcombank, tín dụng 4 tháng đầu năm tăng vọt lên tới 8% so với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 17-18% cả năm.
Với VietinBank, tăng trưởng tín dụng đạt 4% so với đầu năm và dư nợ tín dụng khoảng hơn 752.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2017, BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng 4,85% so với thời điểm ngày 31/12/2016, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã đẩy mạnh tín dụng ngay trong quý I với mức tăng trưởng cao như LienVietPostBank 11%, Kien Long Bank 10,3%, ACB 8,3%.
“Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tốt ngay từ những tháng đầu năm bởi ban lãnh đạo tạo áp lực để bộ phận tín dụng “chạy” hết công suất vì lợi nhuận của ngân hàng khá thấp trong năm 2016”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế quý I/2017 chỉ đạt 5,1% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 5,48%. Việc tín dụng tăng trưởng nhanh trong bối cảnh hiện nay dẫn tới lo ngại dòng vốn đang chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro trong nền kinh tế.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) đặt câu hỏi: “Liệu hoạt động cho vay có hướng vào các ngành sản xuất hoặc xây dựng, hay đang chảy vào các ngành có thể gây ra bong bóng tài sản và dẫn tới suy giảm chất lượng tín dụng, đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng?”.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng dòng vốn đang chảy vào lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh thị trường này khởi sắc hơn. Một thông tin đáng chú ý từ Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng 4/2017, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm.
Cụ thể, trong tháng 4/2017, lượng giao dịch tăng trưởng khá, chủ yếu tại phân khúc căn hộ trung cấp, cao cấp có diện tích trung bình hoặc các dự án đã, sắp hoàn thành hay có tiến độ tốt.
Tính đến ngày 20/4/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 28.369 tỷ đồng, giảm 2.654 tỷ đồng (giảm 8,55%) so với tháng 12/2016 và giảm 624 tỷ đồng so với thời điểm 20/3/2017.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đã rất cao, trong khi áp lực nợ xấu quá khứ chưa được giải tỏa. Việt Nam cần điều chỉnh thận trọng dòng tín dụng để không xảy ra tăng trưởng quá nóng, đồng thời áp dụng các quy định để tín dụng không chảy nhiều vào các ngành đầu cơ như bất động sản và tài chính.
Mức tăng trưởng hợp lý
Theo đánh giá của UBGS, mặc dù nền kinh tế nhìn chung vẫn trong xu hướng cải thiện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, song những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Để dự báo tăng trưởng của cả năm 2017, UBGS đưa ra 3 kịch bản, theo đó, với kịch bản tăng trưởng kinh tế là 6,7% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt con số 20-21%. Như vậy, mức tăng trưởng tính đến thời điểm hiện tại lại được nhiều chuyên gia kinh tế cho là hợp lý.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2017 “bùng nổ” nhưng ở mức hợp lý. Nguyên nhân là mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 thực tế đã bị “ép” vào khuôn chỉ tiêu 18%, nhiều hợp đồng tín dụng NHNN không cho phép ký và giải ngân. Do đó, sang năm 2017, các ngân hàng “bung ra” ngay từ những tháng đầu năm và thực tế đã giải tỏa được lượng vốn lớn cần thiết trong nền kinh tế”.
Về mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng và phát triển kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị: “Để tăng trưởng kinh tế, bắt buộc phải có đầu tư nhưng chúng ta lại quan ngại lạm phát.
Nên chăng, cần phải có những nghiên cứu thấu đáo về mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế - tín dụng - lạm phát cũng như việc giải bài toán này như thế nào, đặt trong bối cảnh linh hoạt của nền kinh tế, từ đó đưa ra một “công thức” nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc điều hành đạt mục tiêu đặt ra”.