Vẫn có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng
Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra ngày 7/1, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2018, nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tín dụng, tổng dư nợ tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với cân đối vĩ mô.
Theo đó, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 14% tính đến cuối năm 2018, tập trung vào các ngành sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Tăng trưởng tín dụng năm 2018, ai cũng bất ngờ, đây có thể coi là một kỷ lục trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong vòng mấy chục năm gần đây.
Rất quyết liệt và có mục tiêu dài hạn thực sự, nghĩa là cơ quan này muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức có thể kiểm soát được trong dài hạn, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là dấu hiệu điều hành tốt. Vấn đề còn lại là hiệu quả sử dụng vốn như thế nào. Đầu tư vào lĩnh vực nào để phát huy tác dụng của nguồn vốn là vấn đề các ngân hàng thương mại cần lựa chọn”.
Chi tiết hơn về dòng vốn, bà Giang cho hay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cuối năm 2018 tăng 8,88%, chiếm 9,56% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó, dư nợ đối với một số sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như lúa gạo tăng 25%, thủy sản tăng 14,1%, cà phê tăng 13,65%...
Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng cuối năm 2018 tăng 12,1%, chiếm 31% dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế, trong đó tín dụng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất (16%) trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế, với mức tăng 13,2%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2018, ai cũng bất ngờ, đây có thể coi là một kỷ lục trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong vòng mấy chục năm gần đây
Tín dụng đối với ngành thương mại, dịch vụ tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm 59,44% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (là ngành có tỷ trọng dư nợ lớn, chiếm 34% tổng dư nợ ngành thương mại và dịch vụ) có mức tăng 26%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, đặc biệt đối với các lĩnh vực có tỷ trọng dư nợ cao trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế: thứ nhất, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 15,5%, chiếm gần 24% dư nợ tín dụng nền kinh tế; thứ hai, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 13,5%, chiếm tỷ trọng 18% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế; thứ ba, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng khoảng 3,5%; thứ tư, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 17%, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển giảm 6,05% so với năm 2017.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN thông tin, năm 2019, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Xử lý nợ xấu: Sẽ có sự phối hợp với các bộ, ngành khác
Thông tin tại buổi họp báo, nợ xấu đã được xử lý được một bước quan trọng. Ước tính, đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Mặc dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã đi vào cuộc sống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.
“Có thể khẳng định, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 thể hiện sự thống nhất về quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và NHNN, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS. Nghĩa nói.
Thực tế, sau hơn 1 năm triển khai Quyết định 1058, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn, ngăn ngừa xung đột lợi ích; tình trạng sở hữu chéo được giảm thiểu. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu nghiêm túc, có hiệu quả.
Kế hoạch xử lý nợ xấu đến cuối năm 2019 được ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN thông tin, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD ở mức dưới 2% và nợ xấu với nợ tiềm ẩn rủi ro dưới 5%. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần từ phía ngân hàng, mà liên quan đến nhiều bộ ngành khác. Vì vậy, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, NHNN sẽ trình Chính phủ một số nội dung cụ thể liên quan đến sự phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác xử lý nợ xấu.
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai mạnh
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được vận hành an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Tính đến cuối tháng 12/2018, hệ thống đã xử lý khoảng 137,594 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 73 triệu tỷ đồng (ước tính, giá trị giao dịch gấp 13 lần GDP năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống xử lý trong ngày đạt trên 544.000 giao dịch/ngày, trên 289.000 tỷ đồng/ngày, lần lượt tăng 25% và 24% so với năm 2017.
Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng trước khi được vận hành chính thức phục vụ người dân. Bên cạnh đó, mạng lưới ATM/POS được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Tính đến cuối tháng 9/2018, trên toàn quốc có khoảng 18.173 ATM và khoảng 294.500 POS (tăng lần lượt 4,5 % và 13% so với cùng kỳ năm 2017) được lắp đặt.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ đạt gần 167 triệu giao dịch (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017), với giá trị giao dịch đạt 442.000 tỷ đồng.
Một tín hiệu đáng mừng cho thấy, mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm (tỷ lệ số lượng, giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 là 17% và 22%, trong khi tỷ lệ này 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 là 12% và 16%).
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng; trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet là hơn 178 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 11 triệu tỷ đồng (tăng lần lượt 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 122 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng (tăng lần lượt 29% và 128% so với cùng kỳ năm 2017)...
“Dẫu vậy, năm 2019, NHNN dự kiến triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả chiến lược, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thanh toán.
Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử.
Thứ tư, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả.
Thứ năm, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử”, ông Dũng nói.