Phân tán nguồn lực để tăng trưởng bền vững
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán bên lề sự kiện, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về việc Bắc Ninh vừa "bét bảng" tăng trưởng GRDP trong quý I/2023, với mức tăng trưởng âm 11,85%.
Ông Tuấn nói rằng, đối với Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nói chung, tỷ lệ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới, vào "sức khỏe" của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó dự đoán, nhiều quốc gia phát triển đang có sự tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái thì "đôi khi chúng ta phải chấp nhận điều đó".
Năm 2022, GRDP theo giá hiện hành của Bắc Ninh đạt tới 248.376 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021; đứng thứ 9 cả nước và đứng thứ 4 ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh giảm 18,7%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,8%, riêng ngành trọng điểm sản xuất của tỉnh là điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm tới 19,6%.
(Số liệu từ Cục Thống kê Bắc Ninh)
"Tất nhiên chấp nhận không có nghĩa là không có biện pháp gì. Trong ngắn hạn có thể chúng tôi chưa khắc phục được ngay, nhưng trong trung và dài hạn dứt khoát phải có biện pháp, hướng đi để đạt được sự bền vững hơn trong tăng trưởng", ông Tuấn khẳng định.
Nói về giải pháp cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ bài học này Bắc Ninh sẽ tiến tới phân tán nguồn lực phát triển, tránh tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó.
Do đặc thù ít nhiều phải phụ thuộc vào đối tác FDI do đối tác chiếm tỷ trọng quá lớn, Bắc Ninh nhận thức được rằng để cân bằng thì sẽ phải đẩy mạnh đa dạng hoá đối tác, hướng tới có nhiều kênh phát triển hơn.
"Trong điều kiện khó khăn, việc đa dạng hóa lĩnh vực và đối tác sẽ mang lại an toàn hơn, còn trong điều kiện thuận lợi, điều này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển", ông Tuấn nhận định.
Nói về chiến lược phát triển theo ngành nghề, Phó chủ tịch Bắc Ninh chia sẻ, Bắc Ninh sẽ bám sát vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Bắc Ninh sẽ theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, sản xuất thông minh, trong đó khai thác sâu vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ văn hoá mà Bắc Ninh vốn rất có tiềm năng.
"Mục đích là để tạo ra sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới tăng trưởng bền vững và tăng hiệu quả thụ hưởng toàn diện cho người dân", vị lãnh đạo nói.
Bắc Ninh đứng thứ 7 trong PCI 2022 và lọt Top 3 PGI năm đầu tiên
Theo công bố của VCCI, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đạt 69,08 điểm, xếp thứ 7, giảm 0,33 điểm so với năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn (giữa) tại Lễ trao giải PCI 2022 sáng 11/4 tại Hà Nội. |
Trong 10 chỉ số thành phần để tính xếp hạng PCI, Bắc Ninh có 6 chỉ số tăng điểm (so với năm 2021) là: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý; trong đó, chỉ số Đào tạo lao động có mức tăng điểm lớn nhất (0,83 điểm); chỉ số Gia nhập thị trường có mức tăng điểm lớn thứ 2 (0,6 điểm)…
Bên cạnh đó, tỉnh có 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai (giảm 0,09 điểm), Tính năng động (giảm 1,04 điểm), Chi phí không chính thức (giảm 0,44 điểm), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,79 điểm).
Top 30 tỉnh thành dẫn đầu PCI 2022 cho thấy: Quảng Ninh giành Quán quân năm thứ 6 liên tiếp, tiếp đến là Bắc Giang, Hải Phòng ... Trong khi đó, Điện Biên và Cao Bằng lần lượt xếp cuối cùng của cả nước (vị trí 62 và 63) với 59,85 điểm và 59,58 điểm. |
Tuy nhiên, Bắc Ninh lại giành được một vị trí trong Top 3 bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm đầu tiên.
Theo đó, trong khuôn khổ Lễ công bố PCI 2022 sáng 11/4, lần đầu tiên VCCI, Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
PGI 2022 có 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp); Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy ba tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Trong đó, Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần 1: "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu".
Được biết, thời gian qua, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã ban hành các quy định về môi trường nhằm giám sát chất lượng không khí, chất lượng nước và quản lý việc thu gom, xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh doanh sản xuất xanh, đơn cử như hoạt động hỗ trợ các ngành "xanh” và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực hành xanh…