Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chậm
Phân tích về bức tranh tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi với mức tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý I/2016, song vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Đáng chú ý, khu vực trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 đến nay, thậm chí thấp hơn cả những thời điểm rất khó khăn là năm 2013 và 2014 (khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2013 tăng 4,48%, năm 2014 tăng 4,42%).
“Nguyên nhân là bởi ngành công nghiệp khai khoáng giảm tới 10%, trong khi năm 2014, thời điểm khó khăn bậc nhất, cũng chỉ giảm 2,23%, chưa kể các ngành công nghiệp và xây dựng đều có mức tăng thấp hơn so với quý I/2016. Điều này đã kéo tốc độ tăng của cả khu vực xuống thấp hơn năm 2016, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chung của GDP”, ông Lâm cho biết.
Lý giải cụ thể hơn lý do khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chậm lại, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2017, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 8,94% quý I/2016, chủ yếu do sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15%) chỉ đạt mức tăng 4,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,6% của quý I/2016. Bên cạnh đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử giảm 1%, do sản xuất của Công ty Samsung giảm gần 38%, trong khi quý I/2016, khu vực này tăng 11,3%.
Một lý do khác, theo ông Tuyến, là Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên những năm trước đây sang các ngành sản xuất - kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Theo đó, quý I/2017, khai thác dầu thô, khí tự nhiên, than đạt thấp, khiến tăng trưởng ngành khai khoáng chỉ bằng khoảng 90% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Tuyến nhận định, đây là xu hướng chuyển dịch tăng trưởng lành mạnh, khi chuyển dịch dần cơ cấu từ nặng về khai thác tài nguyên sang công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất kinh doanh, do đó, không cần quá lo ngại. Bên cạnh đó, nhìn chung nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt, hầu hết các ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với quý I/2016.
Thúc đẩy sức cầu, kỳ vọng khu vực doanh nghiệp tư nhân mạnh lên
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng chung cũng như tình hình kinh tế 3 quý tiếp theo, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, còn khá sớm để đưa ra các nhận định chính xác, song tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn thuận lợi. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6,7%, nền kinh tế cần phải có sự bứt phá trong các quý còn lại.
Liên quan đến đầu tư và tăng trưởng, ông Hà Quang Tuyến cho biết, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện quý I/2017 theo giá hiện hành ước đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2017 ước tính đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tốc độ tăng là 6,2%, thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I/2016.
Điều này phản ánh tổng cầu và sức mua của nền kinh tế vẫn tăng, nhưng có dấu hiệu chậm hơn so với quý I/2016. Do đó, để có thể tạo sự bứt phá cho tăng trưởng, cần thúc đẩy sức cầu, tăng vốn đầu tư nhằm tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh phát triển.
Bên cạnh đó, bức tranh đầu tư và tăng trưởng quý I vẫn chủ yếu dựa vào vốn, trong khi đóng góp vốn đang giảm dần từ 60% xuống 55%, vốn vay ưu đãi chiếm tỷ trọng thấp, vốn Nhà nước chỉ chiếm 34 - 35%, còn lại là các thành phần vốn tư nhân và FDI. Nếu thiếu hụt vốn đầu tư từ nhà nước, giải pháp sẽ là tăng huy động vốn từ khu vực ngoài Nhà nước và từ toàn xã hội theo hướng xã hội hóa.
Đặc biệt, ông Tuyến lưu ý, việc Việt Nam giảm dần và không được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 7/2018 không được vay vốn ưu đãi của ADB phần nào sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. “Tuy nhiên, do vốn vay ưu đãi chiếm tỷ trọng thấp trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, nên việc huy động bù đắp có thể từ nguồn tín dụng thương mại, vốn tự có của khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Tuyến khuyến nghị.
Theo số liệu thống kê, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,52% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Ở khu vực này, hầu hết các ngành, kể cả dịch vụ kinh doanh và các ngành hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt và cao hơn so với quý I/2016.
Kim ngạch xuất khẩu quý I/2017 ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% (4,9 tỷ USD), với một số mặt hàng chủ lực tăng trưởng cao như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 42,3%, hàng dệt may tăng 10,2%, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 34,6%…
Liên quan đến đời sống doanh nghiệp, trong quý I/2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.749 doanh nghiệp; trong đó, 26.478 doanh nghiệp thành lập mới và 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đối với số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Đây sẽ là các động lực cho tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong các quý tới.