Tăng trưởng GDP trông chờ vào thị trường nội địa

0:00 / 0:00
0:00
Một số định chế tài chính quốc tế dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam có thể vượt 6,5%, nhưng trong 6 tháng đầu năm khó đạt được tốc độ tăng trưởng như dự kiến.
PGS-TS. Phạm Thế Anh

PGS-TS. Phạm Thế Anh

“Để GDP có thể phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2023, cần phải cân nhắc hạ lãi suất”, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh 2 tháng đầu năm vẫn “thuận buồm xuôi gió”, chưa xuất hiện khó khăn mới đáng kể. Ông có nghĩ là đã quá lo xa khi nhận định rằng, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay không đạt dự báo?

Theo kịch bản được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, thì GDP quý I phải tăng ít nhất 5,6%, quý II tăng 6,7% và 6 tháng đầu năm là 6,2%. Nhìn ở bề nổi qua phương tiện thông tin đại chúng, thì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa có vấn đề gì, vẫn “thông đồng bén giọt”. Nhưng báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, đã xuất hiện những khó khăn.

Cụ thể, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm nay giảm 6,3%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực của nền kinh tế giảm 6,9%, thay vì tăng 6,1%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm nhẹ (giảm 130 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bị giảm khá mạnh (trên 13%) so với 2 tháng đầu năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Những số liệu trên đã nói lên hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn, trực tiếp tác động lên tăng trưởng kinh tế quý I, quý II và 6 tháng đầu năm. Vì thế, tôi cho rằng, dự báo của một số định chế tài chính quốc tế về tăng trưởng GDP của Việt Nam là có cơ sở.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu. Theo ông, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giảm tới 13,2% là do đâu?

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2023 giảm so với cùng kỳ được lý giải là hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ khoảng 10 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Nhưng bước sang tháng 2, tốc độ tăng trưởng cũng rất thấp, chỉ tăng 1,8% so tháng 2/2022, thì nguyên nhân chính là từ thị trường nhập khẩu.

Kinh tế Hoa Kỳ, EU có dấu hiệu tốt lên, nhưng chỉ là dấu hiệu, còn thực tế thì vẫn rất khó khăn. Vì thế, người dân thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, chưa thực sự cần thiết như điện thoại, máy tính, quần áo, giày dép, đồ gỗ... - những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào 2 thị trường này.

Trong số 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngoại trừ xuất khẩu vào Trung Quốc tăng nhẹ, còn lại đều giảm mạnh, nhất là xuất khẩu vào Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm nay giảm tới 21%; vào EU cũng giảm khoảng 8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản cũng bị giảm. Nguyên nhân chính là ngân hàng trung ương các nước này vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua nâng hoặc giữ nguyên lãi suất ở mức cao, nên hạn chế chi tiêu của người dân.

Nhưng kinh tế của “gã khổng lồ” Trung Quốc được nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo tăng khoảng 5% trong năm nay sẽ trở thành động lực để tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là với Việt Nam, thưa ông?

Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và dự báo năm nay tăng khoảng 5%, nhưng là tăng so với quy mô GDP năm ngoái chỉ tăng 3%. Với nền kinh tế là công xưởng của thế giới trong nhiều thập kỷ mà chỉ tăng trưởng 3-5% là khá thấp, chưa thể trở thành đầu kéo, là động lực để kinh tế thế giới phục hồi trở lại như trước đại dịch.

Trung Quốc là nhà đầu tư, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi và phát triển, cũng có tác động tới Việt Nam, nhưng thực ra không quá nhiều như mọi người kỳ vọng.

Cụ thể, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, hàng nông sản, thủy sản, lâm sản, hoa quả... từ Việt Nam, trong khi những mặt hàng này chỉ có hạn và cần phải bảo đảm tiêu dùng trong nước. Còn xuất khẩu hàng điện tử, máy móc, thiết bị đồ dùng gia đình, kể cả giày dép, quần áo vào Trung Quốc, thì doanh nghiệp Việt Nam “không có cửa” cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động xuất khẩu, nên khi đầu xuất khẩu không “thông” được, thì nhập khẩu cũng bị giảm. Trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu sang “thị trường tỷ dân” chỉ tăng khoảng 4%, thì nhập khẩu chỉ có 14,6 tỷ USD, giảm trên 21% - mức sụt giảm rất lớn.

Vậy tăng trưởng GDP năm nay trông đợi vào đâu khi động lực tăng trưởng là hoạt động xuất nhập khẩu đang đà giảm tốc?

Trông đợi vào đầu tư công và thị trường nội địa. Về đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao. Như vậy, vấn đề là làm sao tăng sức mua của thị trường nội địa. Thu nhập của người dân năm nay chắc chắn tiếp tục tăng, ít nhất tăng được nhờ tăng lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và tăng lương cơ sở của khu vực nhà nước. Nhưng khối lượng tiền đổ vào lưu thông nhờ tăng lương chỉ có hạn, nên muốn tăng được thị trường nội địa thì chỉ bằng giải pháp tiền tệ, cụ thể là lãi suất.

Hiện tại, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm, nhưng chưa nhiều, chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh và lãi suất gửi tiết kiệm vẫn còn rất hấp dẫn để người dân sẵn sàng “bỏ tiền vô nhà băng” hưởng lãi, thay vì đưa tiền ra kinh doanh hoặc tiêu dùng.

Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, tạo động lực để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cả huy động và cho vay, thì tiêu dùng nội địa sẽ tăng, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh. Với thị trường gần 100 triệu dân, sức mua rất lớn, cần phát triển thị trường nội địa, thay vì chủ yếu tập trung vào xuất khẩu. Theo dự báo của nhiều định chế tài chính, thì tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay giảm một nửa so với năm 2022, mà nguyên nhân chính là sức mua ở các thị trường khổng lồ bị giảm.

Nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục đà tăng lãi suất, mặc dù tốc độ tăng đã giảm. Việc Việt Nam hạ lãi suất liệu có đi ngược với xu hướng?

Mỗi nền kinh tế có đặc thù khác nhau, động lực kinh tế của Việt Nam là xuất khẩu, nếu giảm lãi suất, thì tỷ giá VND so với USD bị giảm, tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Giảm lãi suất cũng góp phần tăng thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán... cả giá trị lẫn thanh khoản, vì người có tiền sẽ đầu tư, thay vì gửi ngân hàng. Thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tăng sẽ làm tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư, qua đó tăng tiêu dùng nội địa. Người ta chỉ tăng chi tiêu khi giá trị tài sản tăng và ngược lại sẽ cắt giảm chi tiêu khi đầu tư bị thua lỗ.

Tin bài liên quan