Số liệu được ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại cuộc họp giao ban tình hình sản xuất - kinh doanh quý I/2014, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày hôm qua (25/3/2014), cho thấy, tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt khoảng 4,96%. Con số này, theo ông Bùi Hà, đã cao hơn so với mức tăng trưởng GDP 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012. “Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục”, ông Hà nói.
Phân tích sâu hơn về tốc độ tăng trưởng GDP này, ông Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhìn từ góc độ số liệu thống kê để cho rằng, không chỉ là có xu hướng tăng lên, mà tăng trưởng GDP quý I/2014 đã có “gia tốc”.
“Điều này thể hiện xu hướng hồi phục của nền kinh tế”, ông Liêm có chung quan điểm với ông Hà và phân tích rằng, trong tăng trưởng GDP của quý I/2014, khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục có tốc độ tăng trưởng bền vững, với 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là động lực dẫn dắt nền kinh tế, với tốc độ tăng 4,69%. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 5,95% - giữ vững sự ổn định.
“Kết quả quý I này là cơ sở tốt để chúng ta hy vọng sang quý II, quý III, tăng trưởng GDP cao hơn và cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 5,8% như mục tiêu đề ra”, ông Liêm nói và tiếp tục phân tích một loạt chỉ số cho thấy dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, như chi tiêu công đã được hạn chế, chi tiêu dân cư tăng hơn, cán cân xuất nhập khẩu thặng dư (khoảng 1 tỷ USD).
“Sản xuất chế biến đang tăng cao, ở mức 7,3% so với cùng kỳ và tiếp tục dẫn dắt toàn ngành công nghiệp phát triển, góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Việc năm ngoái, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, nếu được đưa vào giải ngân trong năm nay sẽ góp phần gia tăng năng lực cho nền kinh tế”, ông Liêm tỏ ra khá lạc quan.
Trong khi đó, một cách thận trọng, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho rằng, cần phân tích một cách sâu hơn mối quan hệ giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số tồn kho, tiêu thụ… để thấy rõ hơn hiện thực của nền kinh tế.
“Nếu nhìn tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP - 3 tháng tăng 5,2%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (sau khi trừ yếu tố giá cả tăng 5,1% so với cùng kỳ), tồn kho (thời điểm 1/3/2014 khoảng 13%)…, thì nền kinh tế đúng là đã tốt hơn. Nhưng tại sao tốt hơn mà CPI lại thấp như vậy? Tại sao chỉ số tiêu thụ (4,3%) vẫn thấp hơn chỉ số tồn kho…?”, ông Thắng đặt câu hỏi.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi CPI tháng 2/2014 tăng thấp, chỉ 0,55% so với tháng trước và sang tháng 3 này, lại giảm mạnh 0,44% so với tháng 2/2014, đã có những lo ngại về việc sức cầu của nền kinh tế quá thấp, khiến kinh tế tiếp tục trì trệ. Ông Huỳnh Đắc Thắng thậm chi còn nhắc đến nguy cơ dần dần giảm phát, chứ không phải là “kiểm soát được lạm phát” nữa.
“Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu không có một mức độ lạm phát nhất định thì khó tăng trưởng cao được. Nếu cứ đà này, thì có thể, sản xuất sẽ giảm dần, rất nguy hiểm”, ông Thắng lo ngại.
Tuy nhiên, ông Bùi Hà lại không đồng tình với quan điểm về nỗi lo thiểu phát. “Không hề có chuyện thiểu phát, chúng ta vẫn có lạm phát. Đúng là nếu so với tháng 12/2013, lạm phát hiện chỉ ở mức 0,8%, nhưng nếu so với cùng kỳ, con số này là 4,39%; còn nếu tính bình quân, CPI quý I năm nay vẫn tăng 4,83% so với quý I năm trước và như thế, vẫn cao hơn gấp 2 lần so với giới hạn đỏ lạm phát 2% mà Liên minh châu Âu đưa ra”, ông Hà nói và phân tích rằng, có lẽ Việt Nam đã “quen” với việc duy trì một tốc độ lạm phát quá cao, nên bây giờ, xuống thấp lại thấy lo.
“Nhưng đây là điều đáng mừng. Nếu chúng ta duy trì được lạm phát dưới 5% sẽ tốt cho nền kinh tế”, ông Hà nói và một lần nữa khẳng định, xu hướng tốt dần lên của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng thừa nhận, chưa thể nói, “kinh tế đã thoát khỏi trì trệ”.
Những khó khăn của nền kinh tế, có lẽ cũng nên được nhìn nhận ở một chỉ số khác: số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3.846 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,8%; 10.318 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%; và 2.581 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,6%.