Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, IIP ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Ảnh: Đức Thanh
Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015, diễn ra trong hai ngày 31/8 và 1/9/2015.
“Theo tính toán của các chuyên gia, tác động của việc đồng nhân dân tệ giảm giá và biến động giá dầu như vừa qua là không lớn, dự báo tăng trưởng năm 2015 vẫn có thể đạt ở mức 6,4%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trên thực tế, sau động thái Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, cũng như việc giá dầu giảm sốc xuống dưới 40 USD/thùng, nhiều ý kiến lo ngại việc kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã thống nhất quan điểm rằng, những động thái này, cộng thêm việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh tỷ giá VND/USD, thậm chí còn có lợi cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cũng đã khẳng định, việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ chủ yếu là yếu tố tâm lý. Vì thế, với việc thực hiện các giải pháp ứng phó chủ động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ sớm ổn định trở lại.
Cũng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đồng nhân dân tệ giảm giá, tuy có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, song theo tính toán sơ bộ, thì tác động tổng thể chỉ ở mức thấp. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm 0,04% trong năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do Việt Nam đã chủ động điều chỉnh giảm giá VND, tác động tích cực hỗ trợ xuất khẩu.
“Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, do vậy, việc đồng nhân dân tệ giảm giá cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù thừa nhận, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, liên quan tới việc giá dầu giảm, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là giá dầu giảm sẽ tác động giảm chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm và dịch vụ, vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động kiểm soát lạm phát.
Tất nhiên, thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chuyện này đã được dự báo trước và ngay từ cuối năm 2014, Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chủ động ứng phó, kể cả với kịch bản giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng.
Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm, thu từ dầu thô chỉ đạt 50,7% kế hoạch (do giá bán giảm 40 USD/thùng so với dự toán nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ - PV). Tuy nhiên, về tổng thể, tổng thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng qua vẫn ước đạt 618.140 tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ chưa có tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam. Theo ủy ban này, điều quan trọng là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ra sao, số liệu thống kê của Trung Quốc và cam kết của Chính phủ Trung Quốc có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường hay không. Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp.
Mặc dù vậy, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn giữ nguyên dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%) đề ra, tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô. Không nhắc tới con số cụ thể như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song dự báo này cũng đã tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Các thành viên Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015, cũng có chung nhận định như vậy về những động thái tích cực của nền kinh tế.
Nhiều số liệu thống kê cũng đã góp phần quan trọng để chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 1,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9% so với tháng 8/2014. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 5,3%; năm 2014: 6,3%). Kinh tế rõ ràng đã phục hồi rõ nét hơn.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua và tổng cầu đang có chuyển biến phục hồi khá tích cực. Sức mua hồi phục sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.
“Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng về tổng thể, chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, nền kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.