Tăng trưởng GDP: Điểm nhấn 2023, kỳ vọng 2024

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng là mục tiêu số một, là “đỉnh” đầu tiên của “ngũ giác mục tiêu” (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ, cải thiện). Năm 2023, tăng trưởng GDP đã có những điểm nhấn nào và năm 2024 có kỳ vọng gì?
Tăng trưởng GDP: Điểm nhấn 2023, kỳ vọng 2024

Điểm nhấn năm 2023

Tăng trưởng GDP năm 2023 có nhiều điểm nhấn.

Tăng trưởng cao lên qua các quý (quý I tăng 4,31%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,43%). Điểm nhấn này khác biệt so với năm 2022 (tăng cao lên từ quý I đến rất cao vào quý III, nhưng bị thấp xuống vào quý IV và đã tác động đến quý I, II/2023).

Tăng trưởng cả năm đạt 5,05%, thuộc loại cao so với tốc độ tăng theo dự đoán của thế giới (3%), của các nền kinh tế phát triển (1,5%), của các nền kinh tế đang phát triển (4%), của ASEAN-5 (gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam với tốc độ tăng 4,2%).

Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục khẳng định là bệ đỡ khi tốc độ tăng đạt 3,88%, cao nhất so với tốc độ tăng tương ứng của 4 năm trước (2019 tăng 2,67%, 2020 tăng 3,04%, 2021 tăng 3,27%, 2022 tăng 3,36%). Dịch vụ tăng cao lên qua các quý; có một số ngành cụ thể đạt tốc độ rất cao và tiếp tục tăng cao hơn tốc độ chung (6,82% so với 5,05%). Công nghiệp - xây dựng tăng 3,74% và có xu hướng cao lên qua các quý.

Tăng trưởng đạt được ở hầu hết các địa bàn, trong đó có một số địa bàn tăng cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước, đặc biệt có một số địa bàn tăng trên 8%.

Cơ cấu GDP theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của 2 nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ cao hơn năm trước (79,66% so với 79,59%), trong đó của nhóm dịch vụ cao hơn nhiều (42,54% so với 41,33%) - góp phần khắc phục hạn chế tỷ trọng dịch vụ của Việt Nam còn đang rất thấp.

Xét theo sử dụng GDP, tăng trưởng đạt được ở cả 2 bộ phận chủ yếu là tiêu dùng cuối cùng (3,52%) và tích lũy tài sản (4,09%). Nhưng xuất siêu hàng hóa, dịch vụ đóng góp lớn thứ hai trong 3 yếu tố (32,32% so với 41,01% của tiêu dùng cuối cùng và 26,64% của tích lũy tài sản).

Nhờ GDP tính theo giá thực tế đạt khá (tính bằng VND đạt 10,221 triệu tỷ đồng, tính bằng USD đạt 430 tỷ USD), dân số trung bình tăng thấp (0,84%), giá USD cơ bản ổn định, nên đã đạt kỷ lục mới về GDP bình quân đầu người (4.284 USD so với 4.124 USD) và tổng quy mô GDP (430 tỷ USD so với 408,7 tỷ USD). Kỷ lục mới đó không chỉ làm tăng thứ bậc của Việt Nam trong khu vực, châu Á và thế giới, mà còn tạo sức hút về đầu tư, thương mại, khách quốc tế đến Việt Nam…

Đạt được những điểm nhấn trên do nhiều yếu tố.

Ở đầu vào, yếu tố quan trọng là đầu tư, đặc biệt là đầu tư công đạt quy mô lớn và chiếm tỷ trọng trong tổng chi ngân sách cao hơn so với năm trước (đạt 626.000 tỷ đồng so với 436.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,5% so với 27%); đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%).

Ở đầu ra, xuất siêu hàng hóa là năm thứ 8 liên tiếp và đạt mức cao nhất từ trước đến nay (28 tỷ USD); nhập siêu về dịch vụ chỉ bằng hai phần ba so với năm trước (9,47 tỷ USD so với 13,92 tỷ USD). Chính sách tài khóa, tiền tệ sớm được nới lỏng, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân…

Kỳ vọng năm 2024

Nếu năm 2023 là năm “bản lề”, thì năm 2024 cùng với 2025 là năm phải “tăng tốc” để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025).

Theo mục tiêu của kế hoạch 5 năm là phải tăng 6,5 - 7%/năm, hay năm 2025 phải tăng 37 - 40,26% so với năm 2020, trong khi năm 2023 mới tăng 16,38% so với năm 2020, 2 năm còn lại phải tăng 17,7 - 20,5%; đó là tốc độ tăng rất cao chưa bao giờ đạt được. Mục tiêu đề ra cho năm 2024 là tăng 6 - 6,5%. Ngay năm 2024 có đạt được mục tiêu đề ra, thì nhiệm vụ của năm 2025 sẽ rất cao (11 - 11,3%). Do vậy, năm 2024 phải tăng cao hơn mục tiêu đề ra, để giảm nhẹ gánh nặng cho năm 2025, tránh một lần nữa bị lỡ việc thực hiện mục tiêu “có công nghiệp tương đối hiện đại, ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp”.

Để thực hiện vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2024, có nhiều việc phải làm.

Trước hết là khắc phục những hạn chế về tăng trưởng trong năm 2023 và có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm. Hạn chế tăng trưởng trong năm 2023 có nhiều, nhưng nổi bật có một số điểm đáng lưu ý.

Rõ nhất là tốc độ tăng còn thấp xa so với mục tiêu, trong đó tốc độ tăng của quý I, quý II còn thấp xa hơn. Do vậy, phải quyết liệt ngay từ đầu năm để khắc phục tình trạng quý I, quý II lặp lại tình trạng tăng quá thấp, làm cho nhiệm vụ nặng nề dồn vào quý III, quý IV.

Quý I, quý II có nhiều việc phải làm. Đối với nông, lâm nghiệp - thủy sản, cần tập trung cho vụ lúa đông xuân - vụ có diện tích và sản lượng lớn nhất trong năm. Thời gian này cũng cần tập trung vào trồng rừng mới, trồng cây phân tán. Đối với đầu tư và xây dựng, cần triển khai thực hiện nhanh các dự án đầu tư, xây dựng, từ phân bổ vốn, giải phóng mặt bằng, thi công, cấp vốn… tránh dồn vào các tháng mưa, bão, những tháng cuối năm. Cập nhật nhanh để giải quyết những bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm… Tài khóa, tiền tệ phải thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tập trung nhiều hơn cho kích cầu, vì “cầu” yếu là nguyên nhân bao trùm làm cho tăng trưởng thấp. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cần triển khai sớm và nhanh các đơn hàng cả ở trong nước và xuất khẩu,…

Tổ chức tốt các lễ, hội, những hạn chế kéo dài, khắc phục tình trạng kinh doanh trá hình…

Tập trung cao độ cho công nghiệp - ngành kinh tế thực lớn nhất và công nghiệp chế biến, chế tạo - tiêu chí quan trọng nhất của nước công nghiệp.

Tranh thủ khi thế giới chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng và trên cơ sở số gốc so sánh cùng kỳ năm trước để tăng xuất khẩu, nhập khẩu ngay từ đầu năm. Tranh thủ thị trường của 6 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, của 16 FTA, mở thêm các FTA mới (như với Nam Mỹ chẳng hạn). Năm 2023, thương mại toàn cầu giảm khoảng 5%, nhưng của Việt Nam giảm nhiều hơn cũng là vấn đề cần quan tâm…

Tin bài liên quan