Các nhà đầu tư đang hạ thấp kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế này sau các hạn chế về đại dịch đã mất đà.
Dữ liệu gần đây cho thấy, tăng trưởng GDP trong năm nay của Trung Quốc sẽ gần hơn với mục tiêu của Chính phủ là khoảng 5%, trái ngược với kỳ vọng về mức tăng trưởng vượt trội vào đầu năm. Các số liệu cũng cho thấy sự phục hồi đang lệch hướng được thể hiện bởi các chỉ số dịch vụ tiêu dùng, trong khi hoạt động công nghiệp bị tụt lại phía sau.
Chaohui Guo, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư China International Capital Corp. có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Mọi người đang điều chỉnh kỳ vọng phục hồi của Trung Quốc thấp hơn”.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số CSI 300 đã mất khoảng một nửa đà tăng kể từ tháng 11/2022, trong khi đồng nhân dân tệ đang báo hiệu một nền kinh tế gặp khó khăn sau khi vượt qua mức 7 nhân dân tệ trên mỗi đô la.
Diễn biến chỉ số MSCI All Contry World, Hang Seng China Enterprises và CSI 300 |
Trên thị trường bất động sản, doanh số bán hàng đang chậm lại sau giai đoạn phục hồi. Kết hợp với những rắc rối tài chính dai dẳng của các nhà phát triển bất động sản, điều đó đang cản trở các dự án mới trong lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc bao gồm cả các lĩnh vực liên quan.
Hoạt động xây dựng đáng thất vọng đang đè nặng lên nhiều thị trường hàng hóa. Đồng - từ lâu được xem là phong vũ biểu để đo sức khỏe của nền kinh tế - đã giảm xuống dưới 8.000 USD/tấn trong khi quặng sắt đã chạm mốc 100 USD/tấn, thổi bay tất cả đà tăng đạt được sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero Covid vào cuối năm ngoái.
Trung Quốc là nước mua các mặt hàng như dầu thô, đồng lớn nhất thế giới, và ngành công nghiệp thép rộng lớn của nước này chiếm hơn một nửa nhu cầu quặng sắt toàn cầu.
Phản ánh sự phục hồi nhờ lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, xu hướng giá dầu đã tốt hơn sau khi Bắc Kinh bỏ các hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các sản phẩm năng lượng khác phục vụ cho hoạt động công nghiệp đang gặp khó khăn. Giá than đá, nhiên liệu chính của Trung Quốc làm nền tảng cho cơ sở công nghiệp của nước này, đã giảm 18% kể từ đầu năm. Nhu cầu giảm ở Mỹ và châu Âu là một phần nguyên nhân gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc.
Neil Beveridge, nhà phân tích cấp cao tại Sanford C. Bernstein cho biết: “Có rất nhiều kỳ vọng rằng chúng ta sẽ chứng kiến một năm khá mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhưng những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự phục hồi khá yếu ớt của Trung Quốc về sản xuất công nghiệp. Chúng tôi chưa thấy tiêu dùng trong nước thực sự phục hồi và xuất khẩu là một vấn đề”.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA cho biết: “Câu chuyện tăng trưởng không như mọi người nghĩ. Có quá nhiều sự lạc quan về việc các hộ gia đình chi tiêu tiết kiệm vượt mức của họ nói riêng. Ở Trung Quốc, tiết kiệm quá mức liên quan đến nỗi sợ hãi và nỗi sợ hãi đó không thay đổi”.
Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi một loạt số liệu hoạt động tháng 4 ảm đạm được công bố vào đầu tháng này đã thúc đẩy những lời kêu gọi ngân hàng trung ương và hỗ trợ tài chính nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ có tầm nhìn xa hơn và từ chối bổ sung bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào ngay bây giờ để dự phòng dư địa kích thích tài chính cho năm tới.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tung ra các biện pháp kích thích lớn, vì mục tiêu tăng trưởng GDP 5% vẫn nằm trong tầm tay”.
“Quá trình phục hồi diễn ra như thế nào trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào việc liệu niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể được xây dựng lại kịp thời hay không, vì sự thiếu tự tin dai dẳng cuối cùng có thể kích hoạt một vòng phản hồi tiêu cực dẫn đến tình trạng suy yếu kéo dài hơn”, các nhà kinh tế cho biết.