Sunlife vừa kỷ niệm 1 năm thành lập tại Việt Nam, sau 3 năm hoạt động trong mô hình liên doanh bảo hiểm

Sunlife vừa kỷ niệm 1 năm thành lập tại Việt Nam, sau 3 năm hoạt động trong mô hình liên doanh bảo hiểm

Tăng trưởng bảo hiểm, chuyện lượng và chất

(ĐTCK) Bất chấp mọi biến động kinh tế trong và ngoài nước thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là khối nhân thọ liên tục duy trì đà tăng trưởng ổn định khá cao trong những năm vừa qua.

Tính đến cuối tháng 11/2017 thị trường vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao. Chia sẻ tại một hội thảo về công nghệ trong ngành bảo hiểm ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đà tăng trưởng này có thể duy trì đến cuối năm 2017, giúp doanh thu phí bảo hiểm của cả năm duy trì được mức tăng trưởng từ 22 - 25%, trong đó, khối  nhân thọ tăng trưởng 30%. Khối phi nhân thọ đã tăng trưởng, tuy có giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 10%.

Nhân thọ, sức hút mang tên Việt Nam

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ, tất cả các thành viên còn lại đều mang yếu tố nước ngoài. Đây có thể là một “bí quyết” giúp thị trường liên tục tăng trưởng cao nhiều năm gần đây. Sự xuất hiện đa dạng của khối ngoại đều đến từ cụm từ “tiềm năng Việt Nam”.

Chia sẻ với báo giới nhân chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây, ông Dean Conner, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Life Financial nói rằng, sự tăng trưởng của giới trung lưu tại những thị trường đang nổi lên tại châu Á là một trong những động lực chính làm nên thành công cho chúng tôi. Điều này lý giải vì sao Sun Life Financial châu Á là một trong bốn trụ cột trong chiến lược và là phần đang lên trong câu chuyện của Sun Life Financial.

‘‘Từ 2012 đến 2016, nguồn thu từ châu Á của chúng tôi đã tăng gần gấp ba lần và chúng tôi đã mở rộng đến bảy thị trường trong vùng. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào khu vực này. Đó cũng chính là lý do chúng tôi quyết định sở hữu hoàn toàn Công ty Sunlife Việt Nam sau một thời gian gia nhập thị trường Việt Nam năm 2013’’, ông Dean Conner chia sẻ. 

Cùng chung quan điểm về sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm châu Á, bà Isabelle Conner, Giám đốc Marketing và khách hàng toàn cầu của Tập đoàn Generali cho rằng, các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhìn vào châu Á để nắm bắt xu hướng phát triển và đổi mới.

Tập đoàn Generali hiện đang rất chú trọng tăng trưởng khu vực châu Á, đưa ra chiến lược đầy tham vọng cùng những mục tiêu rõ ràng nhằm tăng thị phần. Chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thương hiệu và con người để đảm bảo mang đến dịch vụ ngày càng tốt hơn nữa.

‘‘Chiến lược của chúng tôi tập trung đẩy mạnh mô hình lấy khách hàng làm trọng tâm tại các thị trường mới nổi, cải thiện mức nhận diện thương hiệu trong khu vực và thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mang đến một trải nghiệm khách hàng vượt trội và khác biệt’’, bà Isabelle Conner tiết lộ cũng nhân chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây.

Thị trường vẫn tăng trưởng tốt, dân số trẻ và số dân có bảo hiểm còn quá ít tạo nhiều hứng khởi cho các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ khi quyết định tiếp tục đầu tư vào thị trường này.

Theo ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ so với nhiều công ty khác trong Tập đoàn, nhưng so với khu vực thì Dai-ichi Life Việt Nam hiện đang là ngôi sao sáng.

Sự tăng trưởng của Dai-ichi Life Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực các tỉnh, Dai-ichi Life Việt Nam tăng trưởng cả về giá trị và số lượng hợp đồng.

Nhìn nhận về sự tăng trưởng liên tục của các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng như thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, các chuyên gia trong ngành nói rằng, với thị trường mới mẻ đầy tiềm năng như Việt Nam, bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng đều muốn và tập trung phát triển để tăng trưởng và lớn mạnh. Nhưng, câu chuyện tiếp theo khó hơn chính là tăng trưởng mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Chính vì thế cũng có ý kiến nghi ngại mức độ tăng trưởng hơn 30% của khối nhân thọ có thể rơi vào trạng thái "nóng". Ngoài ra, dù thị trường tăng trưởng nhưng chỉ tăng về giá trị hợp đồng, chứ số lượng hợp đồng không gia tăng nhiều chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người chưa được bảo vệ.

Bảo hiểm xe cơ giới từ mũi nhọn của bảo hiểm phi nhân thọ đang chứng kiến sự tụt giảm tăng trưởng lớn.  Ảnh: Dũng Minh

‘‘Hầu hết các công ty bảo hiểm khi vào Việt Nam đều sử dụng chiến lược tuyển càng nhiều đại lý thì doanh số càng tăng - thuần về tăng trưởng và lớn mạnh. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của tôi thì mô hình này không thể bền vững. Nếu có tầm nhìn và gắn khách hàng làm trọng tâm thì phải đièu chỉnh chiến lược cho phù hợp’’, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài nhìn nhận.

Cũng theo ông này, nếu như tại thời điểm thị trường còn sơ khai, các công ty bảo hiểm tạo ra sản phẩm bán và là người quyết định xu hướng thị trường thì ngày nay, khi thị trường ngày càng phát triển với các kênh phân phối đa dạng, thông tin được kiểm chứng từ nhiều nguồn thì khách hàng đã lấy lại vị thế đúng là thượng đế.

Vậy làm sao để vừa tăng trưởng vừa nâng cao chất lượng?

Đây là một bài toán khó và mỗi công ty bảo hiểm sẽ có một cách giải khác nhau từ xem xét lại quy trình tuyển dụng đào tạo đại lý, đầu tư công nghệ để tư vấn và tương tác tốt với khách hàng, kiến quyết loại bỏ những "con sâu" ra khỏi ngành… Tuy nhiên, đối với một ngành mà chữ "Tín" phải đặt lên hàng đầu như ngành bảo hiểm thì đạo đức nghề nghiệp là điều không thể thiếu.

“Các công ty bảo hiểm nhân thọ không chỉ phải đầu tư các công cụ giúp tư vấn tương tác dễ hơn với khách hàng mà còn phải có các khảo sát định kỳ để theo dõi các phản hồi và đánh giá về dịch vụ của khách hàng để công ty có những điều chỉnh kịp thời”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Phi nhân thọ, thách thức cuộc chơi bán lẻ

Ngược lại với khối nhân thọ, khối phi nhân thọ là cuộc chơi của các doanh nghiệp trong nước và như thường lệ, các “vấn đề” của ngành bảo hiểm thường nằm ở khối này. Chính vì vậy, đã có sự cảnh báo “không hề nhẹ” với các công ty trong nước khi khối ngoại đang tham gia tích cực hơn, nhằm đón làn sóng FDI đang tăng mạnh.

Theo thông tin của Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam, nếu không có gì thay đổi thì trong thời gian tới, khối phi nhân thọ sẽ đón nhận thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ vốn ngoại nữa. Mục tiêu của doanh nghiệp này sẽ là thị trường bán lẻ (không phải hợp đồng lớn với doanh nghiệp).

Xu hướng bán lẻ đang phát triển mạnh trong ngành tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng. Tiếc rằng, đây lại là thế mạnh của khối ngoại, những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thị trường ở những quốc gia đã qua giai đoạn như Việt Nam hiện nay.

Tương lai trước mắt, bảo hiểm con người sẽ là cứu cánh cho tăng trưởng doanh thu của khối phi nhân thọ   

Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, từ năm 2011 đến 2016, tỷ trọng doanh thu nhóm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe – hai nghiệp vụ bán lẻ trọng tâm - trên tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng từ 46% lên 60%. Điều này cho thấy xu hướng đẩy mạnh bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Đáng chú ý, tất cả đều tham gia, bao gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam vào phân khúc này, khiến cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Cạnh tranh tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng, đó là lý thuyết, nhưng trên thị trưởng bảo hiểm điểm đáng chú ý là khách hàng “có nhiều lựa chọn hơn, nhưng chưa chắc đã tốt hơn”. Lý do là các công ty bảo hiểm áp dụng các hình thức cạnh tranh phi kỹ thuật (giảm phí, mở rộng điều kiện điều khoản…) vẫn đang diễn ra phổ biến tại phân khúc bán lẻ, chứ không phải nâng cao chất lượng dịch vụ.

Rõ ràng, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi nhờ mức phí thấp hay quyền lợi ưu đãi khi doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh doanh thu, nhưng có thể sẽ khó tái tục hoặc phải tái tục với mức phí cao khi doanh nghiệp bảo hiểm cơ cấu lại sau thời gian tăng trưởng “nóng”. Chẳng hạn, với bảo hiểm sức khỏe, một số bệnh có thời gian chờ tới trên 1 năm, nếu năm nay tham gia mà năm sau không tái tục được thì sẽ rất thiệt hại cho người tiêu dùng khi không may gặp rủi ro.

Đây là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần nhìn nhận một cách thấu đáo bởi cuộc chiến về giá thường không đem lại lợi ích cho bất cứ ai. Các doanh nghiệp nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, quan tâm đến hệ thống phân phối, quy trình bán hàng… qua đó mang tới những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài những vấn đề về  chất lượng dịch vụ cũng như bồi thường năm 2017, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ cũng phải đối mặt với một số khó khăn vì tụt giảm doanh thu, doanh thu không đạt kỳ vọng đề ra.

“Phí bảo hiểm xe cơ giới chiếm phần lớn trong tổng doanh thu phí của khối phi nhân thọ, tuy nhiên, năm 2017, thị trường xe cơ giới không tăng trưởng, chưa kể giá trị xe cũng ước giảm 30 - 40% so với năm ngoái. Trong khi  đó, vì cạnh tranh nên tỷ lệ phí bảo hiểm của một số doanh nghiệp vẫn giảm kịch sàn xuống 1,3%/tổng giá trị xe, thậm chí chỉ có 1,2%... khiến thị trường khó có thể phát triển”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhìn nhận.

Ngoài sự tụt giảm doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới thì doanh thu bảo hiểm tàu vẫn tăng trưởng âm 13%, bảo hiểm hàng không cũng tăng trưởng âm, doanh thu bảo hiểm hàng hóa cũng tăng chậm hơn năm ngoái do hàng xuất qua Trung Quốc khó khăn, một số mặt hàng vận chuyển trong nước cũng không thuận lợi như vận chuyển thức ăn gia súc bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh.

Bảo hiểm tài sản – một nghiệp vụ đóng góp tỷ trọng doanh thu khá cao trong tổng doanh thu cũng tăng trưởng khá mờ nhạt, khoảng 5%. Thị trường bảo hiểm vẫn chỉ trông chờ vào nghiệp vụ bảo hiểm con người với tỷ trọng tăng trưởng 22 - 23% so với năm ngoái (số liệu 6 tháng 2016 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).

“Tương lai trước mắt, bảo hiểm con người sẽ là cứu cánh cho tăng trưởng doanh thu của khối phi nhân thọ”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận. Cũng theo vị này, dù hiện tại bảo hiểm con người, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe của khối phi nhân thọ sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe độc lập của khối nhân thọ nhưng điều này cũng không đáng lo ngại vì  bảo hiểm phi nhân thọ có lợi thế hơn về mảng bán lẻ.                 

Tin bài liên quan