Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chủ trì Hội nghị Thành ủy lần thứ 5.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chủ trì Hội nghị Thành ủy lần thứ 5.

Tăng trưởng âm 1,25%, Đà Nẵng bàn giải pháp phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Thành ủy Đà Nẵng xác định phải sớm ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ tháng 5/2021 đến nay khiến nền kinh tế thành phố Đà Nẵng giảm sút mạnh. Tổng sản phẩm xã hội GRDP 9 tháng năm nay tăng trưởng âm 1,25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là khu vực dịch vụ.

Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 5 khai mạc sáng nay (12/10) xác định, triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2021.

Hội nghị cũng dành thời gian nghe ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng truyền đạt một số nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng cho biết, từ tháng 5/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ở mức nguy cơ rất cao, kéo dài. Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và phải giãn cách xã hội ở mức độ cao.

Trước tình hình này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện các chủ trương, chính sách, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong 9 tháng qua, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 191 tổ chức đảng và 982 đảng viên, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái; cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật 130 đảng viên vi phạm, tăng 62% so với 9 tháng năm ngoái.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố, các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 5.
Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 5.

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các dự án; duy trì tương đối các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh từ tháng 5/2021 đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh. Tổng sản phẩm xã hội GRDP 9 tháng năm nay tăng trưởng -1,25% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động. 9 tháng năm 2021, khách lưu trú ước đạt hơn 1 triệu lượt, giảm một nửa so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường nội địa yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố lũy kế 9 tháng ước giảm 4% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 15.000 tỷ đồng, bằng 69% dự toán HĐND thành phố giao.

2 lĩnh vực tương đối ổn định là sản xuất thủy sản- nông lâm và kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt được một số kết quả.

Thành phố đã tích cực triển khai Chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư với các hình thức phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19. Đến nay, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 2.400 tỷ đồng; cấp mới 29 dự án FDI với tổng vốn gần 150 triệu USD.

Tại Hội nghị này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình chung của thành phố hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế thành phố 9 tháng giảm ở hầu hết các lĩnh vực.

Một số lĩnh vực mũi nhọn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Nhiều vấn đề an sinh xã hội phát sinh, nhất là đối với đời sống người nghèo, người lao động tự do, người già, việc học của trẻ em gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình trọng điểm chậm tiến độ.

Dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2021 của thành phố; một số lĩnh vực, ngành nghề nhất là ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp, khai thác hải sản tiếp tục bị ảnh hưởng; thu ngân sách năm 2021 ước đạt khoảng 90% dự toán…

Thành ủy Đà Nẵng xác định phải sớm ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Trong đó, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: "Tôi đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu toàn diện tình hình quý 3 và kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Để qua đó, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phù hợp mang tính khả thi cần tập trung thực hiện để kiểm soát tốt dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất và thu ngân sách ở mức cao nhất, tạo tiền đề phát triển vào năm 2022".

Những tháng cuối năm, thành phố Đà Nẵng tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc khớp nối quy hoạch và xử lý các dự án hạ tầng dở dang trên địa bàn thành phố; Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng và đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố; Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng để khôi phục hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.

Bên cạnh các giải pháp khôi phục kinh tế, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội như duy trì và giải quyết việc làm, hỗ trợ, đào tạo, tuyển dụng bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp.

Theo đó, các ngành, địa phương có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời; Ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối cung - cầu lao động; triển khai dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Tin bài liên quan