Nhân thọ giữ phong độ, phi nhân thọ phấn đấu đạt 13%
Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng trưởng 21,2% và cũng là năm thứ 4 liên tiếp đạt mức tăng trưởng từ 20% trở lên.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng cao, nhưng giữa 2 khối nhân thọ và phi nhận lại xuất hiện sự "lệch pha". Cụ thể, trong khi doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ ước đạt 65.050 tỷ đồng, tăng trưởng 28,9%, thì khối phi nhân thọ là 40.561 tỷ đồng, tăng trưởng 10,61%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo là 17%, cũng như mức tăng trưởng chung giai đoạn 2011-2016 là 12%/năm (mức tăng trưởng của khối nhận thọ trong cùng giai đoạn là 26%/năm - theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm).
Năm 2018, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu đạt doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng trưởng 22,38%. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định, bên cạnh tiềm năng lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, mục tiêu này là không khó để hoàn thành.
Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho hay, năm 2018 sẽ là năm thuận lợi đối với khối nhân thọ, nhất là từ chính sách vĩ mô, khi Chính phủ, các cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp cùng nỗ lực xây dựng và hoàn thiện kịp thời các cơ chế chính sách, từng bước nâng cao tính công khai, minh bạch gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
Với khối phi nhân thọ, các doanh thuộc top đầu thị trường như Bảo hiểm Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, PTI, PJICO... đều đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao trong năm nay khi các kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là kênh liên kết bảo hiểm- ngân hàng được dự báo sẽ bùng nổ.
Năm ngoái, theo số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, các hãng bảo hiểm top đầu đạt mức tăng trưởng doanh thu quanh ngưỡng 10%, trong khi các hãng thuộc nhóm dưới tăng trưởng mạnh hơn hẳn, đạt từ 30% trở lên như BSH (600 tỷ đồng, tăng 30,3%), VNI (624 tỷ đồng, tăng 35%), Fubon (384 tỷ đồng, tăng 37%), GIC (1.168 tỷ đồng, tăng 67%)...
Ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VINARE) dự báo, tốc độ tăng trưởng của khối phi nhân thọ năm 2018 vào khoảng 13%. Với mức tăng trưởng này, dự báo lĩnh vực phi nhân thọ vẫn còn kém rất xa "đồng nghiệp" trong mảng nhân thọ.
Nóng cuộc đua tranh thứ hạng
Số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho thấy, năm 2017, Bảo hiểm Bảo Việt gần như chắc chân ở vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu phí bảo hiểm gốc khi đạt 8.056 tỷ đồng, chiếm 19,5% thị phần. Các vị trí tiếp theo là PVI (ước đạt 6.671 tỷ đồng, chiếm 16,1% thị phần), Bảo Minh (ước đạt 3.395 tỷ đồng, chiếm 8,2% thị phần), PTI (ước đạt 3.124 tỷ đồng, chiếm 7,6% thị phần), PJICO (ước đạt 2.562 tỷ đồng, chiếm 6,2% thị phần).
Sự vươn lên của Bảo hiểm Bảo Việt là nhờ mảng bán lẻ tăng trưởng mạnh, trong khi PVI chậm lại là do khó khăn từ ngành dầu khí. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ cũng như kênh liên kết bảo hiểm - ngân hàng, bên cạnh dấu hiệu phục hồi của ngành dầu khí, dự báo cuộc đua tranh vị trí dẫn đầu trong khối phi nhân thọ năm nay sẽ rất "nóng".
Ở nhóm dưới, VNI cho biết, kết thúc năm 2017, VNI đã tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng về thị phần và hiện đang bám sát Top 10.
Với khối nhân thọ, nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ (ước đạt 20,6% thị phần), tiếp theo là Prudential (18,34%), Dai-ichi Việt Nam (16,11%), Manulife Việt Nam (13,74%), AIA (10,5%)...