Việc quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Ảnh: Dũng Minh

Việc quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Ảnh: Dũng Minh

Tăng trách nhiệm ngân hàng với cơ quan thuế, tăng mối lo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Quy định cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng và thực hiện khấu trừ thuế gây lo lắng cho cả ngân hàng lẫn người mở tài khoản ngân hàng.

Nhiều mối lo

Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 cho phép cơ quan thuế được nắm thông tin về số dư cũng như chi tiết giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ được "trao quyền" thu hộ thuế bằng cách trực tiếp khấu trừ thuế trên các giao dịch thanh toán ra nước ngoài nhằm mục đích đánh thuế các nền tảng xuyên biên giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Minh Hoàng - nhân viên văn phòng ở quận 9. TP.HCM chia sẻ, chồng chị đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài và hàng tháng có gửi về khoảng 30-50 triệu đồng qua tài khoản cho mẹ con chị trang trải cuộc sống. Như vậy, khi thông tin tài khoản “đến tay” cơ quan thuế, chị không biết khoản tiền này có bị khấu trừ thuế hay không.

Số lượng tài khoản mà các ngân hàng đang quảng lý rất lớn nên khó có thể hoàn tất việc cung cấp thông tin trước ngày ngày 5/3/2021 theo quy định.

Cùng mối băn khoăn, anh Tuấn Anh tại Hoàng Mai, Hà Nội - người đang mở tài khoản tại nhiều ngân hàng để phục vụ mục đích giao dịch cá nhân cho hay, anh không nắm rõ khoản tiền nào phải chịu thuế theo quy định trên, đặc biệt là rủi ro bị lộ thông tin tài khoản ra bên ngoài khi cả cơ quan thuế cũng nắm được thông tin này.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo VietinBank cho biết, lâu nay, ngân hàng vẫn cung cấp thông tin giao dịch của khách hàng cho cơ quan thuế, nhưng chỉ trong một số trường hợp nhất định khi cơ quan thuế có văn bản yêu cầu và thông tin cung cấp cũng không phải là toàn bộ, bởi bản thân ngân hàng cũng phải tuân thủ bảo mật thông tin khách hàng theo pháp luật về ngân hàng. Còn với các quy định mới theo Nghị định 126/2020, các ngân hàng vẫn đang chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn.

Liên quan tới việc thu thuế các nền tảng xuyên biên giới, theo lãnh đạo các ngân hàng, họ không đủ thông tin xác định khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế.

“Tuy người nhận tiền chuyển từ Google, Facebook, YouTube qua tài khoản..., nhưng ngân hàng không thể biết được tiền thu nhập từ quảng cáo hay từ dịch vụ khác. Vì thế, để có cơ sở cho ngân hàng thu khấu trừ thuế của những khách hàng này, cần có quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 126/2020”, đại diện một ngân hàng quy mô lớn cho hay.

Cũng theo vị này, việc yêu cầu cung cấp mã số thuế của từng khách hàng sẽ khó thực hiện ngay vì chưa có quy định khách hàng phải cung cấp thông tin này cho phía ngân hàng khi mở tài khoản. Vả lại, số lượng tài khoản mà các ngân hàng đang quảng lý rất lớn nên khó có thể hoàn tất việc cung cấp thông tin trước ngày ngày 5/3/2021 theo quy định.

Cơ quan thuế nói gì?

Khoản 2, Điều 26 - Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc trao đổi thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch kinh doanh thương mại điện tử nhằm chống thất thu thuế.

Giải thích rõ hơn quy định trên, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế nhằm mục đích chống thất thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo ông Minh, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành thuế, mà còn của các ngành khác, bao gồm cả ngành ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng không thể lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng để né tránh.

“Nghị định được thực thi sẽ là chế tài giúp cơ quan nhà nước quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vốn gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Theo đó, cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng có nghi vấn về thuế, từ đây sẽ có cách quản lý thuế hiệu quả hơn”, ông Minh nói.

Thông tin thêm, ông Minh cho biết, theo nội dung hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, lâu nay các ngân hàng thương mại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của công dân Hoa Kỳ cho cơ quan thuế của nước này. Hơn nữa, việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về các giao dịch xuyên biên giới cho cơ quan thuế cũng là thông lệ được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin này cho cơ quan thuế theo nội dung Nghị định 126 là phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Theo đó, các tổ chức tín dụng cần liệt kê danh sách về các cá nhân nhận được tiền từ các nền tảng như Facebook, Google, Youtube… thông qua hoạt động dịch vụ, quảng cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Dựa trên danh sách này, cơ quan thuế sẽ mời những cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đến làm việc, đồng thời tuyên truyền để họ tự giác kê khai nộp thuế và cam kết thực hiện các nghĩa vụ thuế”, ông cho hay.

Liên quan tới bảo mật thông tin, ông Minh khẳng định, tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, chứ không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng. Theo ông Minh, việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với từng vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự, mà không yêu cầu cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng.

Tin bài liên quan