Nhóm ngành hàng nông sản có khả năng tăng giá nhiều nhất

Nhóm ngành hàng nông sản có khả năng tăng giá nhiều nhất

Tăng tổng mức lưu chuyển hàng hoá và bình ổn giá

Theo đánh giá mới nhất của Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao vượt xa dự kiến. Trước tình hình đó, Sở Thương mại HN đã đưa ra giải pháp phát triển thị trường, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hoá và bình ổn giá trên địa bàn HN những tháng cuối năm 2007.

 

Tất cả... đều tăng

 

Thị trường hàng hoá trong nước 7 tháng đầu năm 2007 sôi động với sự tăng giá của nhiều loại hàng hoá. Giá một số vật tư quan trọng như: Điện, than, xăng, dầu đã được điều chỉnh tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng cao đã đẩy giá nhiều loại hàng hoá tăng theo. Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm trên địa bàn HN tăng 6,08%. Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất là 8,24%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,80%, lương thực tăng 5,56%, thực phẩm tăng 7,32%...

 

Giá vàng tăng 5,01%, giá đôla Mỹ tăng 0,10%. Giá dầu thô tăng liên tục, dự báo những tháng cuối năm 2007 tiếp tục tăng, giá nguyên nhiên vật liệu tiếp tục đứng ở mức cao. Ngoài ra, những tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá hàng hoá về nông nghiệp và giá vật tư, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, theo xu hướng tiếp tục tăng cao.

 

Nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường của Sở Thương mại đều cho rằng: Nguyên nhân chính chỉ số giá tiêu dùng tăng do: Giá một số hàng hoá phải nhập khẩu với khối lượng lớn có mức tăng rất cao như: Phôi thép và thép thành phẩm tăng 24,41%, urê tăng 7,39%, clinker tăng 3,36%, chất dẻo nguyên liệu tăng 12,7%, sợi các loại 10%... đã đẩy giá hàng hoá trong nước tăng theo, như gạo tăng 16,5%, càphê tăng 27,42%, caosu tăng 5,15%, hạt tiêu tăng 90,32%.

 

Trong 7 tháng đầu năm có nhiều dịp lễ, sức mua tăng mạnh gây sức ép tăng giá: Thực phẩm 10 - 15%, giá tour du lịch tăng 20 - 25%. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn là nguyên nhân chính làm giảm nguồn cung và đẩy giá hầu hết nhóm ngành thực phẩm tăng cao.

 

Ngoài ra, yếu tố tăng trưởng phát triển của thị trường chứng khoán cũng đã tác động đến thị trường bất động sản, thị trường hàng hoá trong 7 tháng đầu năm 2007. Đây là một trong những nhân tố tích cực để thúc đẩy thị trường những tháng cuối năm tiến triển tốt.

 

Hình thành phố chuyên doanh, tăng điểm chợ đêm

 

Để phát triển thị trường nội địa tương xứng với quy mô và tốc độ phát triển của thủ đô, Sở Thương mại HN đưa ra một số giải pháp góp phần tăng tổng mức lưu chuyển hàng hoá và bình ổn giá những tháng cuối năm 2007.

 

Các doanh nghiệp HN tập trung nâng cao chất lượng, coi trọng việc tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, hình thành những kênh phân phối hiện đại, tập trung phát triển hệ thống cửa hàng theo chuỗi; đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án trung tâm thương mại gắn với chợ, nâng cấp các chợ dân sinh, đẩy mạnh mô hình quản lý chợ trên địa bàn; thông tin tới các doanh nghiệp về tình hình thị trường, định hướng thị trường tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

 

Các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bình ổn, đặc biệt đối với nhóm ngành thiết yếu: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, nhóm nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất (sắt, thép, ximăng, xăng dầu, phân bón...).

 

Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Sở Thương mại HN đề xuất với UBND thành phố xây dựng quy hoạch phát triển một số khu phố chuyên doanh mang tính ổn định, cho phép liên tục tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ quy mô lớn, mở rộng nhiều điểm chợ đêm kết hợp giữa mua sắm và hoạt động văn hoá; cho phép trung tâm thương mại, siêu thị, phố chuyên doanh mở cửa đến 12 giờ đêm...