Tăng tốc xây dựng, thẩm định quy hoạch là nhiệm vụ sống còn

0:00 / 0:00
0:00
Đẩy nhanh công tác xây dựng, thẩm định quy hoạch là nhiệm vụ sống còn trong bối cảnh hiện nay, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Quy hoạch được ví như “người công binh mở đường”, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương

Quy hoạch được ví như “người công binh mở đường”, mở ra cơ hội phát triển cho địa phương

Không thể chậm trễ

Ít ngày trước, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiếp tục thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với 100% số phiếu tán thành, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đã chính thức được Hội đồng Thẩm định thông qua, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Với việc thông qua Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, tính đến nay, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 65/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được thẩm định xong. Trong số này, có 19 quy hoạch đã được phê duyệt, 7 quy hoạch đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt, 39 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện (bao gồm cả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình).

Như vậy, trên thực tế, số lượng quy hoạch chính thức được thông qua vẫn còn khá khiêm tốn. Vẫn có tới hơn 90 quy hoạch chưa được thông qua. Thậm chí, ngoài số lượng quy hoạch đã được thẩm định xong, còn 13 quy hoạch đang được thẩm định, 26 quy hoạch đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến, 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ).

Làm quy hoạch chính là cách để định hướng, sắp xếp, cụ thể hóa chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tìm giá trị, cơ hội mới. Do vậy, phải xác định đây là cơ hội tốt để tìm ra động lực tạo sự đột phá.

Đây là một trong những lý do khiến trong các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường mới đây, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến về sự chậm trễ trong việc hoàn thành các quy hoạch.

“Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang hết sức khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch theo cách của mình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì còn nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai đầu tư do thiếu quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) phát biểu.

Khi thẩm định báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh điều này. Thậm chí, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn nói đó là “một điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả”.

“Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với yêu cầu.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra chủ yếu là do việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, với nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch; tư duy trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của quy hoạch…

Chưa kể, việc chỉ đạo lập quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt; thời gian tham gia ý kiến hồ sơ quy hoạch và thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch của cơ quan tương đối dài, ảnh hưởng tới tiến độ chung; chất lượng của hồ sơ quy hoạch còn hạn chế nên việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau khi thẩm định, phê duyệt là chậm…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhờ có Nghị quyết 61/2022/QH15 về giám sát chuyên đề của Quốc hội nên các vấn đề vướng mắc trong công tác quy hoạch cơ bản được giải quyết, đến nay không còn những ách tắc trong thể chế của công tác quy hoạch.

“Vấn đề bây giờ là tập trung vào để lập, thẩm định và phê duyệt. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sẽ hoàn thành 5 quy hoạch vùng còn lại và lập, thẩm định, phê duyệt tất cả các quy hoạch của địa phương. Nhưng các địa phương cũng phải đẩy nhanh công tác lập và hoàn thiện quy hoạch theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không để lỡ cơ hội phát triển

Khi chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch cấp tỉnh đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác quy hoạch. Theo Bộ trưởng, muốn phát triển, muốn phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục rào cản thì phải dựa vào quy hoạch.

“Làm quy hoạch chính là cách để định hướng, sắp xếp, cụ thể hóa chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tìm giá trị, cơ hội mới. Do vậy, phải xác định đây là cơ hội tốt tìm ra điểm nghẽn, cũng như động lực mới, giá trị mới để phát huy, tạo sự đột phá, nhằm đạt được mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên thực tế, ngay từ trước thời điểm Luật Quy hoạch được thông qua (năm 2017), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, không thể trì hoãn thi hành Luật Quy hoạch, bởi nếu không, sẽ bỏ lỡ một cơ hội phát triển của đất nước. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, quy hoạch như “người công binh mở đường”, nếu mở đường thắng lợi thì “cuộc chiến” sẽ thắng lợi.

Đánh giá cao vai trò của công tác quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết, Hòa Bình xác định đây là “cơ hội quý giá” để xác định lại vai trò, vị trí, sắp xếp lại không gian, nguồn lực phát triển, để đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển đột phá.

Không chỉ Hòa Bình xác định như vậy. Bắc Giang - một trong những địa phương trong thời gian gần đây đang nổi lên là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài, cũng sớm xác định quy hoạch là chìa khóa để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, ngay sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Bắc Giang đã nhanh chóng và nỗ lực hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đón đầu cơ hội của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang chính là quy hoạch đầu tiên được thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ thông qua. “Quy hoạch sẽ tạo tiền đề quan trọng, mở ra cơ hội phát triển bứt phá của tỉnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Điều này có vẻ là thực tế, nếu nhìn vào con số hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mà Bắc Giang đã thu hút được kể từ đầu năm tới nay. Lần lượt các ông lớn công nghệ thế giới như Foxconn, Luxshare… đã dốc vốn vào Bắc Giang.

Chỉ đi sau Bắc Giang một bước, Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai được thông qua quy hoạch, mở đường cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới. Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh mới đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn là các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 219.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, vẫn còn cần thời gian để các kế hoạch này được hiện thực hóa, nhưng đây chính là những “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười chia sẻ, Đắk Nông có một khó khăn đặc thù, mà nếu không giải quyết được, thì không chỉ không thu hút được đầu tư, mà ngay cả việc triển khai các dự án đầu tư công cũng rất khó khăn.

Khó khăn đặc thù được ông Mười nhắc đến, đó là trên địa bàn tỉnh có trữ lượng boxit lớn, trải dài trên 5 huyện, thị. Nhưng Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lại chưa được thông qua, nên Đắk Nông gặp nhiều khó khăn trong bố trí không gian phát triển.

“Chúng tôi hiện có 1.062 dự án, với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng, nhưng lại không thể triển khai vì vướng quy hoạch về boxit”, ông Hồ Văn Mười nêu thực tế.

Chắc chắn, đó không phải là câu chuyện của riêng Đăk Nông. Nhiều địa phương đang gặp khó trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vì chưa có quy hoạch.

Đã là giữa tháng 6/2023, tức là đã giữa “nhiệm kỳ” của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, bởi thế, nếu tiến trình này không được đẩy mạnh thì có thể không ít cơ hội phát triển sẽ bị bỏ lỡ.

Tin bài liên quan