Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bị dừng giãn tiến độ, dừng thi công từ giữa năm 2019

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bị dừng giãn tiến độ, dừng thi công từ giữa năm 2019

Tăng tốc tiến độ điều chỉnh Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Lộ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi động từ hơn 6 tháng trước sắp đi đến giai đoạn cuối, nếu chiểu theo ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Ba nội dung điều chỉnh

Trong Công văn số 4553/VPCP-QHQT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tuần này, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là vấn đề cấp bách. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương rà soát, cho ý kiến rõ ràng về báo cáo tiếp thu, giải trình và kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/6/2023.

Được biết, ngày 16/6/2023, trong vai trò là cấp quyết định đầu tư, Bộ GTVT đã có Công văn số 6376/BGTVT-KHĐT gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về việc hoàn thiện hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tại công văn này, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công từ năm 2019, nên việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (bao gồm điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 30/9/2025 và cho phép sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC thay cho vốn đối ứng và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB đã hết hạn giải ngân) để tiếp tục thực hiện Dự án là hết sức cấp thiết và cấp bách.

Hiện nay, hai nhà tài trợ vốn nước ngoài là ADB và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mong muốn phía Việt Nam đẩy nhanh việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án để sử dụng vốn của VEC và hoàn thành Dự án. Thậm chí, ngày 13/6/2023, JICA đã có thư gửi VEC và Bộ GTVT bày tỏ quan ngại về sự chậm trễ trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và đề nghị VEC, Bộ GTVT thúc đẩy tiến trình này nhằm tránh tiếp tục phát sinh chi phí.

Cần phải nói thêm, trên cơ sở sự chấp thuận của lãnh đạo Chính phủ, cuối tháng 11/2022, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 12266/TTrBGTVT đề nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Có 3 nội dung chính tại tờ trình này cần được cấp có thẩm quyền thông qua để tạo điều kiện cho VEC có đủ cơ sở pháp lý để khởi động lại công tác thi công trên toàn bộ công trường.

Một là, thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025, thay vì đến ngày 31/12/2023 như phê duyệt trước đó của Bộ GTVT. Đây là điều cần thiết bởi là cơ sở để VEC ký hợp đồng với các gói thầu vừa được đấu thầu lại hoặc ký phụ lục gia hạn hợp đồng với các gói thầu xây lắp, tư vấn đang thực hiện để hoàn thành 20% khối lượng còn lại.

Hai là, tổng mức đầu tư Dự án được rà soát, tính toán lại và chốt ở con số là 30.073 tỷ đồng (giảm 1.247 tỷ đồng); đồng thời điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án tương ứng tổng mức đầu tư điều chỉnh, trong đó bổ sung phần vốn VEC tự bố trí (từ dòng tiền tích lũy trong hoạt động sản xuất - kinh doanh) vào cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án để VEC có cơ sở thực hiện đầu tư một số hạng mục còn lại của Dự án với tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ba là, gia hạn Hiệp định vay JICA lần 2 trị giá 31,328 tỷ yên đến ngày 31/12/2025 và hủy số vốn dư không có nhu cầu sử dụng do điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư của Hiệp định vay ADB lần 02 số 3391-VIE với giá trị 100 triệu USD.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ADB đã có Công thư không phản đối chủ trương hủy số vốn dư 100 triệu USD của Hiệp định vay lần 02 của Dự án, đồng thời lưu ý việc hủy bỏ một phần khoản vay cần được sự chấp thuận chính thức từ ADB sau khi nhận được yêu cầu chính thức từ Bộ Tài chính.

Lo đủ dòng tiền

Cần phải nói thêm, trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến Dự án không được bố trí vốn, nên phải dừng thi công từ năm 2019.

Theo tính toán, để hoàn thành toàn bộ Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cần khoảng 7.545,57 tỷ đồng. Khoản kinh phí này bao gồm phần vốn đối ứng còn lại khoảng 758 tỷ đồng để thay thế vốn đối ứng do ngân sách nhà nước cấp phát; bổ sung vốn để hoàn thiện các gói thầu phía Tây và các công trình phục vụ điều hành, thu phí khoảng 2.008,117 tỷ đồng.

Khoản kinh phí trên còn gồm dự kiến vốn để giải ngân, hoàn thành các hạng mục còn lại của các gói thầu phía Đông khoảng 941,198 tỷ đồng; bổ sung vốn để hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 khoảng 1.100 tỷ đồng; dự kiến chi phí tranh chấp của các nhà thầu do Dự án chậm bố trí vốn khoảng 840,5 tỷ đồng; dự phòng phí khoảng 353,082 tỷ đồng; các khoản VEC đã chi, cần đưa vào trong tổng mức đầu tư khoảng 1.546,673 tỷ đồng.

VEC cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, VEC quản lý khoảng 10.700 tỷ đồng, đây là khoản tiền của doanh nghiệp được tích lũy từ các nguồn vốn kể từ khi Tổng công ty bắt đầu khai thác các dự án đến nay.

Trong Công văn số 6376/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cho biết, tại phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC đầu tư (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành), VEC đã cập nhật toàn bộ thông số đầu vào (thời gian đưa các tuyến cao tốc vào khai thác; dự báo lưu lượng; mức thu phí, tốc độ tăng phí; lãi suất trả nợ, kế hoạch trả nợ vốn vay nước ngoài; tỷ giá ngoại tệ; tỷ lệ lạm phát; hệ số trượt giá xây dựng; chi phí hệ thống giao thông thông minh, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các tuyến cao tốc và một số chỉ tiêu khác...).

Như vậy, VEC đã tính toán toàn bộ các nghĩa vụ phải trả nợ cho các tổ chức tài chính (ADB, Ngân hàng Thế giới - WB, JICA), bao gồm nợ gốc và lãi vay cho đến hết thời gian trả nợ (đến năm 2046); trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; các nghĩa vụ nợ khác: nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ nộp lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước, chi sửa chữa lớn các tuyến đường cao tốc…

“Theo kết quả tính toán, sau khi cân đối, bố trí vốn để đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án, thì lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án tại các năm luôn dương, VEC đảm bảo khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, đủ nguồn lực để tự cân đối được nguồn vốn cho các hoạt động thường xuyên của VEC”, Bộ GTVT thông tin.

Bên cạnh đó, để đảm bảo dòng tiền cho VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VEC) cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VEC khoanh lại phần lãi phát sinh (không tính lãi phát sinh từ năm 2022 trở đi) và VEC sẽ hoàn trả 4.561,66 tỷ đồng trong vòng 5 năm từ năm 2032 đến 2036, mỗi năm 912,33 tỷ đồng.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng về yêu cầu VEC làm rõ các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí việc dừng chờ, khiếu kiện, Bộ GTVT cho biết, việc xác định chính xác chi phí dừng chờ, khiếu kiện cần rất nhiều thời gian và thực hiện theo các phán quyết của trọng tài/cấp thẩm quyền quyết định.

Với tiến độ gấp, để có thể điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ GTVT đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép cập nhật chi phí nêu trên vào tổng mức đầu tư Dự án, nhằm dự phòng cho trường hợp phát sinh tăng chi phí làm tăng tổng kinh phí đầu tư Dự án, tránh phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần; đồng thời khẳng định trách nhiệm của VEC cần phải cân đối số vốn để thanh toán khoản chi phí này (nếu có).

“Trong giai đoạn thực hiện Dự án tiếp theo, trên cơ sở phán quyết của trọng tài, Bộ GTVT sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét các chi phí phát sinh trong Dự án. Các khoản chi phí này chỉ được thực hiện sau khi có quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Tin bài liên quan