Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố nhà đầu tư quan tâm bậc nhất khi chọn địa điểm đặt nhà máy

Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố nhà đầu tư quan tâm bậc nhất khi chọn địa điểm đặt nhà máy

Tăng tốc phát triển hạ tầng phụ trợ khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ sở hạ tầng kết nối xuống cấp đang là rào cản ngáng chân nhiều khu công nghiệp trong thu hút nhà đầu tư.

Hạ tầng kết nối xuống cấp

Khu công nghiệp Dầu Giây (thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai) nằm ở điểm đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ, khi hội tụ các tuyến giao thông quốc gia quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 20 (hướng ngã tư Dầu Giây đi Đà Lạt), nằm trên đường tỉnh 769 đi Long Thành - TP mới Nhơn Trạch và cụm cảng Thị Vải… Với vị trí thuận lợi cả về giao thông đường bộ và đường thủy, nơi đây được kỳ vọng sẽ là một trong ba khu công nghiệp trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Sau khi được thành lập, Khu công nghiệp Dầu Giây đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư về đây thuê đất làm nhà máy. Vậy nhưng, hạ tầng giao thông xung quanh khu công nghiệp này ngày càng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư không khỏi lo lắng...

Đơn cử, tại Công ty TNHH Longwell, doanh nghiệp này đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Dầu Giây từ năm 2019. Dự án có tổng số vốn đầu tư trên 120 triệu USD. Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Mai, đại diện Công ty TNHH Longwell, tại đây, có đoạn đường đi qua khu dân cư rất nhỏ. Đoạn đường này chỉ có hai làn xe, cũng ngay đường ray xe lửa nên khi người lao động di chuyển để thay ca thường xuyên bị tắc cứng. Ngoài ra, khu vực này cũng có các công ty thức ăn chăn nuôi nên các xe bồn, xe container, xe tải liên tục ra vào khiến xe đưa rước công nhân thường bị kẹt cứng.

Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) cũng trong tình trạng tương tự. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp này đã thu hút được 85 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước. Tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỷ USD. Khu công nghiệp Long Đức đang giải quyết việc làm cho hơn 8.300 lao động, trong đó phần lớn là người Việt Nam. Tuy nhiên, những doanh nghiệp, nhà đầu tư tại đây đang gặp không ít khó khăn khi tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 51 với khu công nghiệp này đã xuống cấp nghiêm trọng…

Cụ thể, đoạn đường kết nối vào Khu công nghiệp Long Đức từ Quốc lộ 51 (huyện Long Thành) gần như là tuyến đường độc đạo, song lại đang trong tình trạng hư hỏng do các phương tiện có trọng tải lớn, nhất là xe tải, xe container... thường xuyên ra vào.

Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy, trên mặt đường vào Khu công nghiệp Long Đức đã xuất hiện nhiều mảng bong tróc lớn, đầy các vết dặm vá. Trong khi đó, hệ thống thoát nước cũng đang xây dựng dở dang. Điều này khiến các doanh nghiệp và người lao động trong Khu công nghiệp lo lắng tình trạng ngập úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi mùa mưa sắp tới.

“Hiện trạng con đường nối Khu công nghiệp Long Đức ra Quốc lộ 51 nhiều ổ gà, trời mưa hay ngập nên khả năng xảy ra tai nạn cao. Để đảm bảo an toàn cho công nhân viên Công ty nói riêng và toàn thể công nhân viên trong Khu công nghiệp Long Đức nói chung, chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh Đồng Nai nghiên cứu sửa chữa, làm lại con đường này”, đại diện một doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Hay như tại Khu công nghiệp Hố Nai (hiện có khoảng 70 doanh nghiệp FDI đang đầu tư), việc họp chợ ở đường kết nối vào khu công nghiệp đang ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hoá của các doanh nghiệp, làm giảm lợi thế của khu công nghiệp trong việc kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, tuyến đường song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam (giáp ranh Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1) chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện còn khoảng 1 km hiện trạng đường đất, mặt đường lồi lõm, đọng nước khi mưa, bụi mù mịt khi trời nắng gây khó khăn cho việc đi lại của các phương tiện lưu thông từ hướng khu công nghiệp này ra tỉnh lộ ĐT.778 hướng về đường Võ Nguyên Giáp và ngược lại.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn ít, có quy mô nhỏ. Cụ thể, tuyến đường chính kết nối Tây Ninh với TP.HCM gần như chỉ có Quốc lộ 22, song tuyến đường này hiện đã xuống cấp và quá tải nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Vào các giờ cao điểm, đoạn từ huyện Củ Chi đến An Sương (TP.HCM) và một số đoạn qua Khu công nghiệp Trảng Bàng, đô thị Trảng Bàng và đô thị Gò Dầu (Tây Ninh) luôn bị ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lấp đầy của các khu công nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 51 vào Khu công nghiệp Long Đức (tỉnh Đồng Nai) hẹp và xuống cấp

Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 51 vào Khu công nghiệp Long Đức (tỉnh Đồng Nai) hẹp và xuống cấp

Tăng tốc đầu tư để đón khách

Việc hạ tầng giao thông kết nối xuống cấp, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp. Đơn cử, tại Khu công nghiệp Dầu Giây, Khu công nghiệp Long Đức (tỉnh Đồng Nai), dù các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phản ánh về chất lượng hạ tầng kết nối vào khu công nghiệp xuống cấp song việc nâng cấp đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo ông Ishii Hiroyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức, bên cạnh tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 51 thì Khu công nghiệp Long Đức đang chờ chính quyền địa phương hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kéo dài nhiều năm để hoàn thiện hạ tầng khác như bàn giao diện tích đất còn thiếu, quy định về giá thuê đất, lập quy hoạch chi tiết với lô đất có diện tích nhỏ hơn 10 ha gây khó cho các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp.

Thông tin về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho hay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo lại tuyến đường nối từ Quốc lộ 51 vào các khu công nghiệp. Đường nối vào Khu công nghiệp Dầu Giây cũng được xem xét đầu tư...

“Ngoài giao thông thì sẽ tập trung vào các hạ tầng khác như điện, nước… UBND tỉnh Đồng Nai đảm bảo đủ điện phục vụ khu công nghiệp”, ông Nguyên cho hay.

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2024 do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố hạ tầng kết nối thì hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp cũng cần được nâng cấp, chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu cao hơn của các nhà đầu tư về hệ thống nhà kho, nhà xưởng.

Tin bài liên quan