Năm nay, Việt Nam dự kiến hoàn thành ký kết 6 hiệp định thương mại tự do

Năm nay, Việt Nam dự kiến hoàn thành ký kết 6 hiệp định thương mại tự do

Tăng tốc để về đích kế hoạch 5 năm 2011 - 2015

(ĐTCK) Đánh giá cơ bản đến năm 2014 đã đạt được mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2015 là năm bản lề để đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 cũng như tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từ năm 2011 đến nay, cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu đặt ra về ổn định kinh tế vĩ mô. Cung cầu hàng hóa bảo đảm, cân đối tiết kiệm - đầu tư có chuyển biến rõ rệt, theo hướng tổng tiết kiệm luôn bằng hoặc cao hơn tổng đầu tư. Cân đối điện đủ nhu cầu sản xuất - tiêu dùng và có dự phòng. Tăng trưởng thương mại, công nghiệp và nông nghiệp, cũng như cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, đặc biệt khu vực doanh nghiệp FDI và ngành nông nghiệp liên tục xuất siêu.

“Nhờ những kết quả đạt được trên, tăng trưởng kinh tế từ năm 2011 - 2014 có tốc độ tăng lên từng năm. Hệ số sử dụng vốn (ICOR) đã giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 - 2013 cho thấy chất lượng đầu tư có xu hướng cải thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Cũng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm qua, nhìn tổng thể, nền kinh tế đã vượt qua được nhiều khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành quả quan trọng và chuyển biến tích cực. Lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định hơn, nền kinh tế đã thoát khỏi suy giảm và từng bước phục hồi tăng trưởng. Các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu, quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.

Đăc biệt, trong năm 2014, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội, song theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế về cung - cầu hàng hóa, tích lũy - đầu tư, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, thu chi ngân sách ổn định hơn so với năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần đưa cán cân thương mại xuất siêu. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, tăng dự trữ ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, giải ngân vốn xây dựng cơ bản và trái phiếu chính phủ đạt khá, các nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng. Giá một số hàng hóa, dịch vụ công như xăng, dầu từng bước điều chỉnh theo tín hiệu của thị trường. 

Nhiều chỉ tiêu kinh tế chưa đạt mục tiêu

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Cụ thể, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 của Bộ Kế hoạch và  Đầu tư cũng thẳng thắn nhận định tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu; kinh tế vĩ mô tuy đã ổn định song chưa vững chắc; nền kinh tế phục hồi còn chậm và đối mặt với nhiều khó khăn; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; môi trường kinh doanh cải thiện chậm so với các nước trong khu vực, việc thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt yêu cầu.

Trước hết về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011 - 2014 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% theo kế hoạch. Tổng mức đầu tư toàn xã hội dự báo đạt khoảng 30,1% GDP giai đoạn 2011 - 2015, thấp hơn so với mức kế hoạch 33,5 - 35% GDP, phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Tích lũy đầu tư được cân bằng, nhưng vẫn phải vay để chi đầu tư cho thấy một phần không nhỏ tích lũy đã không được chuyển vào đầu tư sản xuất - kinh doanh và chưa có giải pháp huy động, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Về cán cân thương mại, mức độ xuất siêu lớn chủ yếu vẫn thuộc về các hàng hóa gia công, lắp ráp của khối doanh nghiệp FDI với máy móc, thiết bị, trình độ khoa học công nghệ tương đối thấp, giá trị gia tăng tạo ra không cao. Mặc dù 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, nhưng hiện tượng xuất siêu này liệu có phải là kết quả tích cực từ tác động của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hay chỉ là hiện tượng nhất thời do đóng góp mạnh mẽ mang tính đột biến của khu vực FDI hay do khó khăn của doanh nghiệp trong nước làm cho nhập khẩu suy giảm?

Liên quan tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo Nghị quyết của Quốc hội là “khoảng 5-7% vào năm 2015”. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội cũng duy trì tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7%. Mặc dù dự kiến cả năm chỉ tăng 4,5% - 4,7% là đạt kế hoạch song theo nhiều ý kiến chuyên gia, kết quả này là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu.

Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc triển khai ba đột phá chiến lược đạt được một số kết quả ban đầu nhưng vẫn còn những hạn chế, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa tạo ra bước khởi động mạnh mẽ và cơ bản so với yêu cầu đặt ra. Thị trường tài chính phát triển lệch, trong đó thị trường vốn phát triển chậm, vốn đầu tư doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng thương mại. Việc chuyển giá điện, giá xăng dầu, giá than theo cơ chế thị trường đã có bước tiến, nhưng chưa giải quyết dứt điểm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ do thiếu nguồn lực thực hiện; chưa định hình rõ chính sách thu hút các hình thức đầu tư khác bên cạnh đầu tư nhà nước, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao chưa có cải thiện rõ rệt... 

2015: năm bản lề để đẩy nhanh tiến trình hội nhập

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2015, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 3,4%, trong khi đó IMF có phần lạc quan hơn với mức dự báo 4%. Điều này cho thấy, kinh tế thế giới về tổng thể tiếp tục giữ đà phục hồi trong năm 2015 và sẽ có tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tuy nhiên, với khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ đưa ra mức dự báo tăng trưởng 5,4% vào năm 2015 cho thấy triển vọng kinh tế của khu vực này đang yếu đi.

Đối với Việt Nam, năm 2015 được coi là năm bản lề để đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc hội nhập mạnh mẽ hơn vào cộng đồng ASEAN và hoàn thành ký kết 6 hiệp định thương mại tự do, góp phần mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng là năm triển khai đại hội các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, do đó việc dồn sức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2015 sẽ có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 cũng như tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mục tiêu nhiệm vụ tổng quát cho năm 2015 là cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân” với các chỉ tiêu kinh tế cụ thể như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội tối thiểu 32% GDP; nhập siêu thấp hơn 5% so với kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng CPI duy trì khoảng 5 - 7%; bội chi ngân sách nhà nước tính cả trái phiếu chính phủ thực tế phấn đấu khoảng 6% GDP.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, tạo sự thay đổi đột phá mạnh mẽ về thể chế quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, tài chính công, cải cách tư pháp, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, để thu hút các nguồn lực đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.

Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm có giải pháp về thuế, lãi suất, hấp thụ vốn tín dụng đủ mạnh và thanh toán nợ đọng của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, khơi thông dòng tiền đối với thị trường bất động sản và đáp ứng nhu cầu hợp lý nhà ở, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích công khai, minh bạch thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Rà soát, đánh giá, sử dụng hiệu quả hơn các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng đề án sử dụng nguồn tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, cổ tức từ phần vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp cũng như nguồn thu từ khai thác, bán tài sản công vào ngân sách nhà nước, để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, tập trung nguồn lực cải cách tiền lương, cải cách hành chính... làm động lực để nâng cao năng suất lao động.   

Tin bài liên quan