Tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề cho Kỷ nguyên vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ là đạt mức tăng trưởng 7-7,5% như Quốc hội quyết nghị, mà Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn, đó là giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo tiền đề cho Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao sẽ tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng.

Thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao sẽ tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng.

Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, đã thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Một trong những mục tiêu chủ yếu được Quốc hội quyết nghị là đạt mức tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% trong năm tới.

Chỉ ít ngày sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng lớn hơn cho năm 2025, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng là năm chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm tiếp theo, 2026-2030. Đó là, thay vì phấn đấu tăng trưởng GDP 7-7,5%, Chính phủ hướng đến mục tiêu cao hơn, đạt tăng trưởng khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021-2030.

Điều này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, diễn ra hôm 1/12/2024. Đây là một mục tiêu cao, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với khó khăn, thậm chí thách thức còn nhiều hơn cơ hội trong năm 2025.

Mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, để đạt được các mục tiêu lớn lao hơn, đó là “tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no”, như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2025 chính là kết quả của năm 2024. Cho tới thời điểm này, dù chưa có các con số chính thức, song nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt khoảng 7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đã quyết nghị. Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đã góp phần củng cố cho dự báo này.

Chẳng hạn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay. Thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng đạt khoảng 31 tỷ USD, tiếp tục xu hướng tích cực, trong khi vốn thực hiện đạt 20,4 tỷ USD - cao nhất kể từ trước tới nay. Kinh tế phục hồi nên khu vực doanh nghiệp cũng phát triển tích cực hơn, trong 11 tháng có 220.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ…

Nhờ các hoạt động kinh tế diễn ra sôi nổi hơn, thu ngân sách nhà nước 11 tháng đã bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt trên 10% dự toán…

Đây chính là những chỉ số kinh tế quan trọng chứng minh sự phục hồi của nền kinh tế, mà cả Chính phủ và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, đều đánh giá cao tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Nhiệm vụ lớn được Đảng giao phó

Chính phủ hướng đến mục tiêu cao hơn, đạt tăng trưởng khoảng 8% để tạo đà, tạo lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu tăng trưởng 8% không chỉ là mức phấn đấu Chính phủ đặt ra, mà còn là nhiệm vụ lớn được Đảng giao phó. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc phải làm sao đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra.

Trong các nội dung được Đại hội Đảng lần thứ XIII quyết nghị, thì mục tiêu tăng trưởng bình quân của giai đoạn 5 năm 2021-2025 được xác định ở mức 6,5-7%. Trong khi đó, mục tiêu cho cả giai đoạn 10 năm 2021-2030, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%. Những năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động địa - chính trị toàn cầu, tăng trưởng GDP chậm lại, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như Chiến lược 10 năm 2021-2030.

Chính vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.

“Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhấn mạnh rằng, chỉ có “phép giải rút gọn” mới ra đáp số kịp thời gian.

“Phép giải rút gọn” đó, theo Tổng Bí thư, chính là tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”, nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...

“Trước mắt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này. Đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được”, Tổng Bí thư chỉ đạo.

Để giải bài toán này, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp, bao gồm việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, coi hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá trong năm 2025; làm mới các động lực truyền thống và thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới bằng cách tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật… Trong đó, công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực Việt Nam có nhiều cơ hội.

Đây sẽ là một trong những yếu tố cơ bản giúp kinh tế Việt Nam có thể tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh.

Tin bài liên quan