Tăng tính thị trường để UPCoM vững bước

Tăng tính thị trường để UPCoM vững bước

(ĐTCK) Sau 10 năm phát triển, UPCoM đã trở thành thị trường được một số quốc gia như Singapore, Thái Lan, Lào… dành sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm vận hành, quản lý. TSKH Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chia sẻ và cho biết, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu. 

UPCoM tạo dựng được những dấu ấn gì sau 10 năm phát triển, thưa ông?

Thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) hoạt động từ năm 2009. UPCoM ra đời từ nhu cầu cấp thiết phải có một sàn giao dịch cho những cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết trong bối cảnh giao dịch cổ phiếu tự do bên ngoài, tại các sàn OTC tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ra những hậu quả khó lường cho các bên tham gia.

Từ một thị trường ban đầu có 10 công ty đăng ký giao dịch, đến ngày 15/6/2019, UPCoM đã quy tụ 833 công ty lên đăng ký giao dịch, với giá trị vốn hóa lên đến gần 1 triệu tỷ đồng, gấp 4,8 lần quy mô của thị trường niêm yết tại HNX hiện nay, tương đương 35% quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán. UPCoM đã hoàn thành sứ mệnh đầu tiên là thu hẹp dần thị trường tự do và trở thành mảnh ghép cuối cùng của mảng thị trường cổ phiếu, làm nền tảng và cơ sở cho các giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Tăng tính thị trường để UPCoM vững bước  ảnh 1

Số lượng công ty đăng ký giao dịch, quy mô, thanh khoản trên thị trường UPCoM qua 10 năm.

Kể từ năm 2015, theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, UPCoM còn là nơi các cổ phiếu bị huỷ niêm yết tiếp tục được giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu không còn được giao dịch trên thị trường niêm yết. UPCoM mở rộng quy mô thị trường cổ phiếu thông qua thu hẹp thị trường tự do, góp phần quan trọng trong việc lành mạnh hóa TTCK và nâng cao vị thế của TTCK trong nền kinh tế.

Tăng tính thị trường để UPCoM vững bước  ảnh 2

Giá trị vốn hóa phiên cuối năm (tỷ đồng).

UPCoM còn góp phần nâng cao chất lượng thị trường thông qua cơ chế minh bạch hóa hoạt động quản trị và điều hành theo các chuẩn mực cao dành cho doanh nghiệp niêm yết, đại chúng. Thị trường UPCoM từng bước giúp cho doanh nghiệp làm quen với quản trị công ty theo các chuẩn mực cao nhất được xác lập bởi thị trường, giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động. UPCoM thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ chế thị trường để xác định giá cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước.

Với những kết quả đạt được, UPCoM đã trở thành thị trường được các quốc gia đã và đang phát triển trong khu vực dành nhiều sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm vận hành, quản lý như: Singapore, Thái Lan, Lào.

Ðể có được những thành công đó, những khó khăn nào mà UPCoM đã phải đối mặt và vượt qua?

Tại thời điểm ra đời năm 2009, giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường UPCoM chỉ đạt 4 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản thị trường UPCoM thấp vì hệ thống quy chế và cơ chế giao dịch của UPCoM phi thị trường, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư. Doanh nghiệp trên UPCoM khi đó chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, vốn nhỏ và không đủ điều kiện niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán. Tình trạng này khiến sau 6 năm vận hành, UPCoM chỉ có 169 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị giao dịch chỉ vào khoảng 15 tỷ đồng/phiên tính đến ngày 15/9/2014.

UPCoM chỉ thật sự khởi sắc từ khi có Quyết định 51/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK.

Ngoài ra, Nghị định 60/2015/NÐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng yêu cầu các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng, thì buộc phải đăng ký giao dịch trên UPCoM vì mục đích bảo vệ nhà đầu tư. Các văn bản này được cụ thể hóa thông qua Thông tư 180/2015/TT-BTC; Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần...   

Nhờ những bước chuyển động mạnh về chính sách mà số công ty đăng ký giao dịch tăng từ 169 doanh nghiệp lên 822 doanh nghiệp trong vòng 4 năm, từ 2015 đến 2019

Nhờ những bước chuyển động mạnh về chính sách như trên, mà số công ty đăng ký giao dịch tăng từ 169 doanh nghiệp lên 833 doanh nghiệp trong vòng 4 năm, từ 2015 đến 2019. So sánh thời điểm 15/9/2014 với 15/6/2019, thì mức độ thanh khoản tăng từ 15 tỷ đồng/phiên lên hơn 250 tỷ đồng/phiên; quy mô thị trường tăng từ 24.000 tỷ đồng lên 330.000 tỷ đồng.

Là chủ thể quản lý, vận hành UPCoM, HNX đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong phát triển sàn này suốt 10 năm qua, thưa ông?

HNX đã kiến nghị và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý phát triển thị trường UPCoM như: Thông tư 180/2015/TT-BTC, với quy định nổi bật là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; Thông tư 115/2016/TT-BTC gắn đấu giá cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại sở giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.

Chúng tôi đã chủ động triển khai hoàn thiện hệ thống, nền tảng giao dịch, cũng như các quy chế giao dịch nhằm giúp cho giao dịch trên thị trường này gần gũi với thị trường niêm yết. Theo đó, năm 2010, HNX bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục đối với giao dịch cổ phiếu trên UPCoM bên cạnh phương thức giao dịch thỏa thuận, tăng tính liên tục cho các giao dịch trên UPCoM.

Năm 2011, HNX dỡ bỏ quy định về doanh nghiệp lên UPCoM phải có một công ty chứng khoán thành viên cam kết hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi, chủ động cho các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM. Năm 2015, HNX nới biên độ dao động giá trên sàn UPCoM từ +10% lên +/-15%, tăng tính hấp dẫn đối với giao dịch cổ phiếu UPCoM, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực triển khai các hoạt động phổ biến, quảng bá về thị trường UPCoM, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia thị trường. Thông qua các chương trình tiếp xúc, làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, HNX đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị này để phối hợp, hỗ trợ trong công tác cổ phần hoá và đưa doanh nghiệp lên UPCoM.

Dẫu vậy vẫn còn các giải pháp mà HNX đang kiến nghị và mong muốn cơ quan quản lý cân nhắc để hỗ trợ UPCoM làm tròn vai các chức năng của mình, nhất là thu hút thêm các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro, từng bước hình thành thị trường startup trên nền tảng của UPCoM, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường niêm yết và UPCoM. Thực chất có nhiều doanh nghiệp trên thị trường UPCoM có chất lượng tốt, vượt xa các doanh nghiệp đang niêm yết, nhưng cơ chế giao dịch dành cho các doanh nghiệp tốt trên UPCoM chưa được tháo gỡ kịp thời.

Ông nhìn nhận gì trước những quan ngại về tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, cũng như chất lượng cổ phiếu trên sàn UPCoM?

UPCoM là thị trường có tiêu chuẩn đăng ký giao dịch không cao, ngoại trừ điều kiện là công ty đại chúng. Hiện có hơn phân nửa doanh nghiệp chưa đủ độ minh bạch tương xứng với thị trường niêm yết.

Vì thế, bên cạnh những công ty có tình hình tài chính kinh doanh tốt, UPCoM không tránh khỏi tồn tại những công ty quy mô nhỏ và kinh doanh chưa thật khả quan, minh bạch kém như chậm công bố thông tin hay công bố thông tin không đầy đủ…

Từ thực tế này, năm 2016, chúng tôi đã tiến hành phân bảng UPCoM theo quy mô vốn. Các doanh nghiệp chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn đại chúng, các cổ phiếu bị đình chỉ, hạn chế giao dịch... được đưa vào bảng cảnh báo nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc theo dõi, nhận diện cổ phiếu.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp UPCoM về công bố thông tin, từ năm 2014, HNX đã đưa vào áp dụng hệ thống công bố thông tin tự động (CIMS) để giúp các doanh nghiệp chủ động công bố thông tin,rút ngắn thời gian và giảm thiểu sai sót. Chúng tôi tổ chức tập huấn công bố thông tin thường xuyên; tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu các thông lệ tốt về quản trị công ty và tăng cường giám sát tuân thủ đối với các doanh nghiệp trên UPCoM.

Từ thành công của chương trình chấm điểm Công bố thông tin và Minh bạch đã áp dụng đối với công ty niêm yết, năm 2018, lần đầu tiên HNX đã triển khai chương trình này cho các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM. Từ kết quả chương trình, HNX đã tổ chức vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt công bố thông tin minh bạch nhằm tạo hiệu ứng lan toả cho các doanh nghiệp trên thị trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa vào các chương trình thúc đẩy quản trị công ty.

UPCoM được định hướng phát triển ra sao trong giai đoạn tới, thưa ông?

Ngay cả các nước có nền kinh tế phát triển cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.

Tăng tính thị trường để UPCoM vững bước  ảnh 3

Giá trị giao dịch của NĐTNN (tỷ đồng).

Do đó, việc quản lý, tạo môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này được Chính phủ quan tâm. Các nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phân mảng TTCK riêng để quản lý và giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể ở Mỹ có Pink Sheets, Anh có AIM, Nhật Bản có Mother, Hàn Quốc có KSM và Kosdaq. UPCoM của Việt Nam không phải là ngoại lệ và cần có những chính sách, bước đi đúng đắn để phát triển thị trường này.

UPCoM đã có tính quản lý nhưng còn thiếu tính thị trường. Do vậy nhiệm vụ trong thời gian tới là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu. Thời gian qua, công tác giám sát trên thị trường này được đẩy mạnh và đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết.

Với việc tăng cường công tác giám sát này, chúng tôi đang kiến nghị UBCK xem xét áp dụng margin cho các cổ phiếu của các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM đáp ứng điều kiện như cổ phiếu niêm yết. Cùng với sẽ kiến nghị nới biên độ giá giao dịch trên thị trường này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy minh bạch cho các công ty trên UPCoM.

Tin bài liên quan