Vẫn còn đó điểm nghẽn nợ xấu
Chiều 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có buổi làm việc với NHNN Chi nhánh TP HCM và các NHTM trên địa bàn. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn 4 tháng đầu năm đạt 1,27% so với cuối năm 2013, trong khi 2 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng trưởng âm. Sở dĩ tín dụng tăng chậm do tính chất mùa vụ đầu năm, cùng với đó là những khó khăn gắn với nền kinh tế vẫn tồn tại như: nợ xấu của doanh nghiệp cao, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thấp…
Tính đến cuối tháng 3/2014, theo báo cáo của các NHTM trên địa bàn Thành phố về tình hình thực hiện cơ cấu lại nợ, có 6.179 khách hàng được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ là 155.780 tỷ đồng. Điều đó phần nào giúp kéo giảm nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, nợ xấu thấp do được cơ cấu lại, còn bản chất vẫn là nợ xấu, khi tới hạn lại vẫn lộ ra. Ngoài ra, trong kết quả xử lý nợ xấu thì yếu tố quan trọng nhất là bán được tài sản thế chấp, nhưng thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu, cả khi đã bán cho VAMC.
Đó cũng chính là lý do tăng trưởng tín dụng ì ạch trong 4 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, ông Lịch cho rằng, lãi suất cho vay trung hạn còn quá cao, 12 - 13%/năm, cũng là một nguyên nhân.
Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Đại biểu Quốc hội, bày tỏ lo ngại, tình hình ngân hàng hiện giờ rất khó khăn, nhất là với tăng trưởng tín dụng, cho dù nợ xấu đang từng bước được tháo gỡ. Theo ông Ngân, diễn biến trên biển Đông những ngày qua cũng sẽ phần nào tác động đến tăng trưởng tín dụng xuất khẩu.
Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cho rằng, trong hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng hiện nay có mâu thuẫn lớn là khách hàng tốt thì không muốn vay, còn doanh nghiệp yếu cần vốn lại không vay được.
“Tăng cường cho vay trong điều kiện hiện nay là rất khó nếu sức khoẻ nền kinh tế không cải thiện. Về cơ cấu lại nợ, Agribank đã tiến hành 2 năm qua, nhưng thực sự để doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất khó, nhất là các doanh nghiệp có liên quan đến thị trường bất động sản”, lãnh đạo Agribank nói và cho rằng, xử lý nợ xấu đang là vấn đề đau đầu của ngân hàng hiện nay.
Xem xét hạ chuẩn cho vay
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank cho hay, 4 tháng đầu năm, tín dụng DongA Bank tăng chưa tới 1% và chủ yếu là từ khách hàng cá nhân, nhưng trong đó, thu hồi nợ cũ cần xử lý tăng 400 tỷ đồng, còn giải ngân ra hơn 1.000 tỷ đồng.
Tín dụng của VietA Bank cũng tăng trưởng âm trong 4 tháng qua. Lãnh đạo nhà băng này cho rằng, ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng doanh nghiệp hoặc không muốn vay, hoặc không đáp ứng được các điều kiện vay. Vì thế, nên chăng Chỉnh phủ và NHNN điều chỉnh một số chính sách cho vay cho phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nếu chúng ta cứ áp dụng cơ chế như thời điểm tốt thì sẽ không cho vay được. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết là nợ xấu. “Cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa tan”, lãnh đạo VietA Bank nói. “Vì cục máu đông này mà nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải thốt lên rằng, làm ngân hàng chưa bao giờ khó như bây giờ”.
Để đánh tan cục máu đông nợ xấu, khơi dòng chảy vốn cho nền kinh tế, việc giúp các DNVVN, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, có được nguồn vốn tín dụng, theo các chuyên gia kinh tế, là hết sức quan trọng. Đây là đối tượng doanh nghiệp cần có chính sách ưu tiên, nhưng hiện nay trình độ quản trị của các doanh nghiệp này còn yếu kém, tiềm lực tài chính yếu và thiếu minh bạch trong quản lý dòng tiền.
“Nếu không hạ chuẩn tín dụng, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong khi nền kinh tế có phát triển hay không phải nhờ vào sự đóng góp của khối doanh nghiệp này”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP. HCM cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện cho DNVVN vay vốn. Theo ông Hào, Vietcombank luôn đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp thuộc khu vực này, nhưng dư nợ cũng chỉ được 5,8% trên tổng dư nợ, vì các DNVVN không đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, tín dụng của ngân hàng trên địa bàn còn thấp, song nếu so với mức tăng trưởng bình quân chung của ngành là gấp đôi và có cơ sở và niềm tin để đạt 12% trong năm 2014.
Ông Trần Du Lịch đánh giá, hiện tín dụng chỉ mới tăng trưởng được ở kỳ hạn ngắn, còn trung - dài hạn rất chậm. Trong khi đó, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải tăng được tín dụng trung, dài hạn… Đồng thời, muốn tái cấu trúc được, doanh nghiệp cũng phải có vốn trung hạn. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, các ngân hàng chỉ mới giảm lãi suất ngắn hạn để đẩy vốn cho vay kỳ hạn ngắn, còn trung dài hạn vẫn chưa được tập trung nhiều.
Cũng theo ông Lịch, nếu tín dụng không tăng thì lạm phát có đạt mục tiêu kìm chế cũng không có ý nghĩa. Phải tăng được tín dụng, tức tăng được đầu tư, thì mới có tăng trưởng kinh tế - mục tiêu cuối cùng.