Nếu biểu ATIGA được tính cho phần xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, giá xăng dầu sẽ còn hấp dẫn hơn
Đây là các mức thuế suất trong biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục Mặt hàng chịu thuế do Bộ Tài chính ban hành và sửa đổi theo thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 6/1/2015, Bộ Tài chính tiếp tục có Thông tư 03/2015/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 7/1/2015, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, xăng có thuế nhập khẩu mới là 35%, dầu hỏa là 35%, dầu mazout là 35%, dầu diesel là 30%.
Trong thông cáo báo chí được Bộ Tài chính phát đi khi ban hành Thông tư 03/2015/TT-BTC cũng cho hay, theo Nghị quyết 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, thì khung thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu 0-40%; cam kết WTO năm 2015 đối với mặt hàng xăng, dầu cũng là 0-40%. Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2015/TT-BTC điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu với các mức thuế suất phù hợp với mức khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với cam kết WTO và phù hợp với mức thuế suất tối đa nêu tại Công văn 17728/BTC-CST ngày 4/12/2014 của Bộ Tài chính.
Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu Việt Nam không phải là thành viên của ASEAN, cũng như xăng dầu không nhập khẩu một lượng lớn từ các nước trong khu vực này.
Để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã có Thông tư 165/2014/TT-BTC, Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tại biểu thuế ATIGA này, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi theo Thông tư 03/2015/TT-BTC.
Cụ thể, xăng dầu có mã HS 2710 có thuế nhập khẩu chỉ là 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô thuộc mã HS 27101971 và 27101972 có thuế nhập khẩu là 5% cho năm 2015 và sau đó về 0% từ năm 2016-2018. Dầu nhiên liệu có mã HS 27101979 có thuế suất 0% từ năm 2015-2018...
Số liệu của Bộ Công thương, cũng như thống kê của hải quan cho hay, tính đến hết 11 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu 7,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá là 7,23 tỷ USD. Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,46 triệu tấn, Thái Lan là 757.000 tấn, Malaysia là 373.827 tấn, Trung Quốc là 1,54 triệu tấn, Hàn Quốc là 553.000 tấn, Đài Loan là 1,16 triệu tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc “doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan về sẽ tính mức thuế suất thuế nhập khẩu nào?”, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, Petrolimex sẽ đề cập nội dung nêu tại Thông tư 165/2014/TT-BTC và Thông tư 03/2015/TT-BTC tới Bộ Tài chính và sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thêm nữa, với mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng 27%, dầu hỏa là 26% và dầu diesel là 23%, thuế và phí đang chiếm hơn 35% trong giá xăng, 27% trong giá dầu diesel, còn dầu hỏa là 28,3%. Khi thuế tăng lên 35% với xăng, dầu hỏa là 35%, dầu mazout là 35%, dầu diesel là 30%, tỷ lệ chiếm của thuế phí trong giá xăng cũng tăng cao hơn bởi cách tính thuế hiện nay vẫn theo hướng thuế chồng thuế.
Bởi vậy, nếu biểu ATIGA được tính cho phần xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, chắc chắn giá xăng dầu tại Việt Nam còn hấp dẫn hơn hiện tại.