Sản xuất xi măng, clinker thâm dụng nhiều tài nguyên, nên không được khuyến khích xuất khẩu.

Sản xuất xi măng, clinker thâm dụng nhiều tài nguyên, nên không được khuyến khích xuất khẩu.

Tăng thuế clinker để hạn chế xuất khẩu tài nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) được đề nghị điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo.

Tuýt còi

Nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính vừa đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker từ 5% lên mức 10%.

Đề nghị này được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…

Trên thực tế, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.

“Việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia). Thực tế, có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn xi măng (70% clinker + 30% phụ gia).

Để quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu xi măng, Bộ tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công thương và Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quyết định 1266/2020/QĐ-TTg.

Sản lượng tiêu thụ nội địa những năm gần đây hầu như không tăng trưởng, riêng năm 2020 đã sụt giảm 3 triệu tấn so với năm 2019, nhưng do xuất khẩu tăng mạnh nên ngành vẫn đạt con số tiêu thụ trên 100 triệu tấn.

Cụ thể, năm 2015 tiêu thụ nội địa đạt 55,68 triệu tấn, năm 2016 đạt 59,34 triệu tấn, năm 2017 nhích nhẹ lên 60,27 triệu tấn, năm 2018 đạt 63,94 triệu tấn, năm 2019 đạt xấp xỉ 65 triệu tấn, nhưng đến năm 2020 giảm 3 triệu tấn, còn 62,12 triệu tấn.

Hiện nay, sản lượng clinker và xi măng được điều chỉnh phù hợp với tốc độ tiêu thụ xi măng dựa trên tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển ngành xây dựng, nhưng nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục tăng cao do các nhà máy liên tục mở rộng sản xuất.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 33 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu clinker đạt 24 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 73%), xuất khẩu xi măng đạt 8,7 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 27%).

Để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.

Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 cũng định hướng hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược nêu rõ, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Giai đoạn 2031 - 2050, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế.

Điều đáng nói, hiện nay xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt đến ngưỡng khống chế này.

Tập trung phục vụ thị trường nội địa

Công ty cổ phần Chứng khoán FPT phân tích, trong 10 năm gần nhất (2010 - 2019), sản lượng xi măng xuất khẩu trong ngành đã tăng gấp 30 lần, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu xi măng. Dù vậy, hiệu quả của hoạt động xuất khẩu không đi liền với mức tăng trưởng về sản lượng khi các các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu clinker (dạng sản phẩm thô của xi măng) có giá trị rất thấp.

Mức giá xuất khẩu (FOB) trung bình tại cảng của Việt Nam hiện chỉ đạt 38,5 USD/tấn (thấp hơn tới 10% so với giá bán xi măng trong nước).

Xi măng là ngành không được nhiều quốc gia khuyến khích xuất khẩu, bởi thâm dụng tài nguyên không thể tái tạo, lợi thế cạnh tranh không lớn, chi phí vận chuyển cao và đặc biệt, giá trị gia tăng thấp.

Nhiều năm giữ vai trò điều hành trong doanh nghiệp xi măng, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Xi măng Fico-YTL thừa nhận, đặc thù của ngành xi măng là thâm dụng tài nguyên (đá vôi, than, điện…), tác động lớn đến môi trường. Một nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm, sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, 200.000 tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu kWh điện, thải ra khoảng 2,2 tấn CO2 từ việc đốt nhiên liệu nung và từ các phản ứng hóa học khi nung.

Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng về an ninh năng lượng và chủ trương phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường của Chính phủ, ông Bảo cho rằng, cần xác định mục tiêu dài hạn là tập trung phục vụ thị trường nội địa để có chính sách cung cầu phù hợp.

Trên thực tế, vấn đề hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo đã được các nước trên thế giới triệt để áp dụng nhiều năm nay.

Cùng với việc xuất bán nhiều clinker, ngành xi măng cũng kích cầu tiêu dùng một lượng than rất lớn (chi phí than chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất xi măng). Nguồn than trong nước không đủ, phải chuyển sang nhập khẩu, làm gia tăng tình trạng nhập siêu. Năm 2020, cả nước nhập 54,8 triệu tấn than, trị giá 3,778 tỷ USD. Xi măng là một trong số các hộ tiêu thụ nhiều than nhất, cùng với nhiệt điện, sắt thép, hóa chất.

Dự báo từ nay đến năm 2030, nguồn than trong nước sẽ tiếp tục suy giảm và có chi phí đắt đỏ hơn, do đó các doanh nghiệp xi măng sẽ đẩy mạnh dùng than nhập khẩu với tỷ trọng than nhập khẩu ước tính chiếm tới 50 - 60% vào năm 2030.

Tin bài liên quan