Hoạt động giao thương biên mậu trên địa bàn TP. Móng Cái luôn được đặc biệt quan tâm duy trì ổn định, tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 2.845,6 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 17,85% so với cùng kỳ. Về du lịch, 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến Móng Cái ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 90% so với cùng kỳ. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh nhờ chiến lược “hai quốc gia một điểm đến” đang được hai nước phối hợp triển khai.
Mới đây, TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) – TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã có buổi hội đàm, trao đổi nhằm thúc đẩy các vấn đề liên quan hoạt động thương mại qua các cặp cửa khẩu, lối mở của 2 địa phương.
Theo đó, hai địa phương đã thống nhất thí điểm thời gian mở cửa khẩu Bắc Luân II từ 7 - 20 giờ (theo giờ Việt Nam) từ ngày 1/9; thông quan cả ngày lễ, ngày nghỉ thứ bảy và Chủ nhật (trừ ngày Tết) trong khoảng thời gian 3 tháng để đánh giá hiệu quả.
Cửa khẩu Bắc Luân II (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quỳnh Nga |
Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại qua các cặp cửa khẩu, lối mở, TP Móng Cái đã đề nghị Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) giảm chi phí thông quan cho doanh nghiệp; tăng hiệu suất, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; áp dụng linh hoạt cơ chế kiểm soát hàng hoá tương đồng với các cặp cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai địa phương giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu hạn chế ùn tắc, tăng lưu lượng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều (Việt Nam - Trung Quốc), giảm chi phí phát sinh lưu hàng hóa tại cửa khẩu.
Hạ tầng Cửa khẩu Bắc Luân II được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và du lịch. Ảnh: Quảng Ninh Portal |
Theo Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có định hướng tuyến đường sắt (đường sắt cao tốc và đường sắt hàng hóa) và quỹ đất hạ tầng kỹ thuật xây dựng Ga đường sắt tại phường Hải Yên (TP Móng Cái, Quảng Ninh).
Về vấn đề kết nối liên thông đường sắt Việt - Trung (TP Móng Cái - Đông Hưng), TP. Móng Cái đã đề nghị TP Đông Hưng rà soát, thống nhất đồng thời báo cáo cấp thẩm quyền từng bước mở cửa khẩu kết nối liên thông đường sắt quốc gia Việt Nam - Trung Quốc tại vị trí theo định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Lãnh đạo TP. Móng Cái (Việt Nam) và TP. Đông Hưng (Trung Quốc) khảo sát xây dựng công trình qua biên giới (cầu Sắt tại khu vực Km3+4 Hải Yên). Ảnh: Trung tâm TT&VH Móng Cái |
Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng công trình qua biên giới (cầu Sắt tại khu vực Km3+4 Hải Yên) để kết nối hạ tầng giao thông. Từ đó, từng bước nâng cấp thành cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế khi đây là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam – Trung Quốc và hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng.
Liên quan đến nội dung xây dựng cầu Bắc Luân III, việc kết nối hạ tầng giao thông từng bước mở cửa khẩu Bắc Luân III là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc và hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng. Thành phố Móng Cái và thành phố Đông Hưng cùng thống nhất nội dung này, tiếp tục tăng cường báo cáo cấp trên để chấp thuận triển khai các công trình này.
TP. Móng Cái và TP. Đông Hưng cũng cùng thống nhất quan điểm về thúc đẩy các hoạt động hợp tác du lịch qua biên giới, vấn đề hợp tác lao động qua biên giới, thúc đẩy hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các địa phương biên giới hai bên. Hai bên tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các xã, phường, thôn bản biên giới thiết lập quan hệ hữu nghị, góp phần xây dựng biên giới bình yên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương.