Tăng cường minh bạch với nhà đầu tư nước ngoài
Ông Phạm Viết Muôn, Nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn, khi đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận, hiệu quả cao. Nhưng quá trình cổ phần hóa nhiều khi gặp vướng mắc nên kết quả chưa được như mong muốn. Mục tiêu của chúng tôi là cổ phần hóa để khối DNNN tập trung vào 15 ngành, lĩnh vực then chốt, trong đó giữ độc quyền ở 5 ngành, lĩnh vực. Nếu như các DNNN còn dàn trải ở nhiều lĩnh vực, thì các nhà đầu tư còn chưa muốn tham gia.
Nhiều ý kiến nói về định giá DNNN khi CPH, chúng tôi yêu cầu phải qua tư vấn, nhất là tập đoàn, tổng công ty lớn, hầu như qua tư vấn nước ngoài thẩm định. Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, các đơn vị chủ yếu đồng tình, không có ý kiến gì, nhưng tại sao nhà đầu tư lại mua được ít thế? Có những câu hỏi đặt ra, tại sao Nhà nước giữ nhiều cổ phần thế?
Thực tế, Chính phủ đã ban hành danh mục ngành nào cần nắm 100%, ngành nào nắm 75%..., nhưng điều đáng nói là khi phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhiều trường hợp Nhà nước nắm giữ cũng không nhiều, nhưng lại bán không được. Ví dụ, tại BIDV, Nhà nước phê duyệt nắm 65% vốn, nhưng ban đầu chỉ bán được 4,7%.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu rất kỹ khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, nhiều khi mất đến 4 - 5 năm. Nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ quá, nên đây cũng là một điểm khó. Tuy nhiên, điều này cho thấy, cần tăng cường minh bạch với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, khối lượng cổ phần chào bán ra thị trường rất lớn, khoảng 200.000 tỷ đồng, tương ứng 10 tỷ USD. Phải sửa đổi cơ chế, công khai, minh bạch từ đầu và kiên định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ, không để ban đầu phê duyệt là nắm giữ 65%, nhưng bán được có 20% thì Nhà nước lại điều chỉnh phương án cổ phần hóa, phê duyệt là nắm giữ 80%.
Tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa để thu hút nhà đầu tư
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco kiêm Chủ tịch Tổng CTCP Thăng Long
Khi đánh giá mục tiêu cổ phần hóa DNNN, nên đánh giá giá trị bán ra, chứ không nên tính đầu doanh nghiệp, vì nếu tính số lượng thì không phản ánh được thực chất. Ví dụ, một doanh nghiệp bán được 5% cổ phần cũng kể thành tích thì không đúng, phải xem xét lại mục tiêu này.
Thời điểm hiện nay, TTCK đang trầm lắng, trong khi kế hoạch CPH vào giai đoạn nước rút, nên Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Kinh nghiệm đầu tư vào Tổng công ty Thăng Long, ban đầu Tasco chỉ mua 35%, nhưng chúng tôi “mặc cả” với Bộ Giao thông Vận tải là nếu giao tôi làm Chủ tịch Tổng công ty thì mới thực hiện quyền mua. Nghĩa là, bây giờ có thể mặc cả với nhau trong thương vụ mua bán. Khi Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chấp thuận thì chúng tôi mới thực hiện quyền mua.
Ưu tiên bán nhiều lần với tỷ lệ lớn, hướng đến cổ đông chiến lược
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính
Chúng ta đều muốn doanh nghiệp sau khi CPH trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững, tiếp cận những thế mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng các khu vực CPH phải thay đổi hoàn toàn, đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư là minh bạch thông tin. Chính phủ đã tạo khung pháp lý về công khai thông tin giống như công ty đại chúng với DNNN. Những doanh nghiệp chưa bán được đúng tỷ lệ, Chính phủ cùng với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đang rà soát để bán nốt cổ phần đã được phê duyệt theo phương án cổ phần hóa. Nghĩa là, ưu tiên bán nhiều lần với tỷ lệ lớn, hướng đến cổ đông chiến lược và nhà đầu tư được quyền yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin.
Thời gian qua, Việt Nam chủ yếu cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu CPH đề ra mới được một phần, như VNM, FPT cổ phần hóa xong thực sự đạt được mục tiêu, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đi lùi so với mong muốn. Hiện nay, khi Chính phủ thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp này có sức ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thì việc cổ phần hóa phải đảm bảo thận trọng, đáp ứng được yêu cầu đề ra là thay đổi về chất.
“doanh nghiệp lớn càng cần có nhà đầu tư nước ngoài”
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV
BIDV thực hiện IPO tháng 12/2011 và đang đàm phán bán tiếp cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi cần nhà đầu tư chiến lược thay đổi toàn bộ hoạt động quản trị của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận công nghệ và quản trị hiện đại, vì thị trường Việt Nam hiện còn dư địa lớn trong phục vụ đầu tư, các dịch vụ tài chính. Việc có nhà đầu tư chiến lược giúp chúng tôi tích lũy được những kinh nghiệm như vậy.
Về việc đàm phán bán tiếp cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi yêu cầu cao về năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, cách thức điều hành, phân công, phân nhiệm. Đã có nhà đầu tư tiến sâu vào quá trình đàm phán, nhưng chưa thể chốt được, hy vọng năm 2016 sẽ có kết quả.
Vấn đề căn bản, tôi cho rằng, CPH phải thực hiện được mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 5 năm qua, mặc dù chúng ta thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng tốc độ tăng năng suất thấp hơn nhiều. Xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước gần như không thay đổi. Các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, càng cần phải có nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư tư nhân để tạo ra động lực tăng trưởng mới.