Ðể chống đỡ rủi ro này, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, nhưng chống đỡ quan trọng nhất chính là từ việc củng cố nội lực tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Bằng, nền kinh tế đang đứng trước những diễn biến lớn đến từ bên ngoài. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 12 tới, tác động tới tỷ giá, lãi suất và khả năng dịch chuyển dòng vốn.
Thời gian vừa qua, dòng vốn đã rút khỏi các nước mới nổi, quay trở lại Mỹ và gia tăng khá mạnh tại Nhật. Trong 7 nước ASEAN, dòng vốn nước ngoài rút ra gián tiếp vào khoảng 37 tỷ USD. Cùng với đó, TTCK Trung Quốc có biến động rất lớn, chỉ số mất giá 21%.
“Chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng châu Á trước đây không phải do nền kinh tế các quốc gia suy yếu, mà do các trung tâm tài chính vào chu kỳ hút hay đẩy vốn. Khi họ hút vốn, dòng vốn dịch chuyển, tác động rất mạnh đến kinh tế vĩ mô, ngoại tệ, tỷ giá và sự ổn định của nhiều nền kinh tế”, ông Bằng nói.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn là vấn đề về tiền tệ, kinh tế, công nghệ, quân sự..., trong đó trọng tâm là tự do hàng hải. Ðây là vấn đề rất dai dẳng, tác động đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã và đang thay đổi chính sách đối ứng. Trước đây, họ muốn tái cân bằng tài chính bằng cách giảm thiểu đầu tư trong nước, đưa vốn ra nước ngoài và thắt chặt dần các chính sách tiền tệ và tài chính.
Nay Trung Quốc nghiêng về các chính sách kích thích kinh tế phát triển, giảm bớt luồng vốn ra nước ngoài và khuyến khích các nước thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu bằng nhân dân tệ để tách dần khỏi USD. Với cuộc chiến này, Việt Nam chịu sức ép từ cả 2 bên. Vậy nền kinh tế, doanh nghiệp phải ứng phó như thế nào để vượt qua thách thức, thu hút được vốn, mà vẫn đảm bảo được việc xuất khẩu và thương mại được tốt hơn?
Cùng với những giải pháp từ Chính phủ, TS. Vũ Bằng cho rằng, nỗ lực tự chống đỡ từ doanh nghiệp là quan trọng nhất. Doanh nghiệp phải củng cố chính mình từ bên trong, mà cụ thể là cần tổ chức tốt hơn công tác quản trị doanh nghiệp, bắt đầu từ nhận thức, hiểu thông lệ tiên tiến và thực hiện sự thay đổi để vượt qua những lợi ích của riêng mình, hướng tới quản trị trên sự minh bạch và phục vụ đa số lợi ích chung của doanh nghiệp.
Tháng 11, trong khi UBCK, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng tương tác, lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự án Luật Chứng khoán, trong đó có nhiều quy định mới nhằm giảm thiểu khả năng doanh nghiệp bán giấy lấy tiền, thao túng, lũng đoạn giá, thì ở một nỗ lực cụ thể khác, các chuyên gia của VIOD đang hợp sức đưa ý niệm, cụ thể là doanh nghiệp nên lập ủy ban kiểm toán để kiểm soát từ bên trong.
Với vị trí là cơ quan trực thuộc HÐQT, ủy ban kiểm toán có vị thế và khả năng kết nối hiệu quả hơn (so với Ban Kiểm soát) với các bên liên quan trong doanh nghiệp, sẽ đảm bảo sự chuẩn mực, chính xác và minh bạch trong bức tranh tài chính doanh nghiệp. Ðây chính là nền tảng của niềm tin thị trường, giữ dòng tiền ở lại lâu bền hơn.
Nỗ lực làm mới nền tảng pháp lý, chia sẻ tri thức về quản trị công ty đang được thực thi trên TTCK Việt Nam với mong muốn thị trường, doanh nghiệp vượt qua rủi ro khách quan và tìm ra cơ hội trong khó khăn để trụ vững.