Để tận dụng thời cơ lớn từ hội nhập, DN Việt cần xác định thế mạnh, cải thiện sức cạnh tranh

Để tận dụng thời cơ lớn từ hội nhập, DN Việt cần xác định thế mạnh, cải thiện sức cạnh tranh

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Thiếu sự liên kết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ví như những “củ khoai trong bị”. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn cũng như nhiều thách thức khi hướng tới Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. 

Làm thế nào để tận dụng liên kết chuỗi để nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tối đa nguồn lực là giải pháp mang tính sống còn với các DNNVV?

Theo các chuyên gia, thách thức lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để các DNNVV nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh và xác định được hướng đi đúng khi tham gia “sân chơi” toàn cầu hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh kể từ cuối năm nay, AEC được thành lập với một thị trường khoảng 600 triệu dân và cộng đồng doanh nghiệp lớn, theo đó, áp lực cạnh tranh là đối với nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt đối với các DNNVV Việt Nam cũng tăng lên.

Nhấn mạnh điều này, bà Susan Sutton, Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, các hiệp định thương mại tự do bên cạnh việc mang lại những cơ hội lớn cũng sẽ gây nhiều sức ép cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, DNNVV cần nắm bắt được đầy đủ thông tin, đặc biệt thông tin về ưu đãi thuế cũng như các hàng rào kỹ thuật và các cơ hội thị trường mà các hiệp định thương mại tự do mang lại để có thể nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, một khó khăn lớn hiện nay các DNNVV Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập, đó là khả năng tham gia các liên kết chuỗi trong chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới rất thấp, trong khi cơ hội thực sự không nhiều. Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện mới có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiến tới xuất khẩu so với gần 60% của Malaysia và Thái Lan. Đồng thời, chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia. Thực tế, các doanh nghiệp Việt chỉ tham gia được vào khâu lắp ráp, gia công, cung cấp các phụ tùng thay thế, chứ chưa tham gia vào sản xuất các sản phẩm chính…

Việc tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung có thể coi là một trường hợp điển hình trong khối các DN Việt Nam. Theo bà Bùi Kim Thùy, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Samsung 1 năm xuất khẩu tới 27 tỷ USD và với việc đóng đại bản doanh tại Việt Nam, tập đoàn đang kỳ vọng sẽ được hưởng những ưu đãi thuế từ các quy định ưu đãi về chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã có FTA. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong tổng số gần 60 nhà cung cấp cho Samsung hiện nay, có tới 50 công ty là công ty con và chi nhánh trực thuộc Samsung và ngay cả trong số 10 nhà cung cấp còn lại thì có tới 5 - 6 DN nước ngoài do tập đoàn này chỉ định.

“Điều này có nghĩa là chỉ có 5 chỗ ít ỏi còn lại dành cho DN Việt. Vậy các DNVVN nằm ở đâu trong số vị trí còn lại này?”, bà Thùy đặt câu hỏi và cho rằng, để có thể vượt qua được thách thức này thì mấu chốt quan trọng và cốt lõi nhất mà DN Việt Nam nói chung, DNVVN nói riêng thực sự cần nắm lấy là tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ.

Với chứng nhận đáp ứng quy tắc xuất xứ nội địa, đây là yếu tố thuận lợi và cạnh tranh nhất của DN Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu lớn và góp phần hạ giá thành sản phẩm để các DN Việt Nam có thể cạnh tranh trong xuất khẩu và thu hút đầu tư, từ đó có lợi thế khác biệt để tham gia được vào các chuỗi cung ứng có giá trị của khu vực và toàn cầu.

Theo bà Thùy, đây là lợi thế lớn nhất mà các DN Việt Nam có được khi các FTA và hiệp định thương mại thế hệ mới như TPP và RCEP được ký kết và triển khai thực thi. Tuy nhiên, để nắm được lợi thế này, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần định hướng lại chiến lược sản xuất và quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào nội địa, bởi chỉ có đầu vào đáp ứng đầy đủ quy tắc xuất xứ nội địa thì lợi thế này mới trở thành hiện thực.

Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia thực hiện được coi là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp trong nước, để hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ.

Để tận dụng được thời cơ lớn này, các chuyên gia khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp cần xác định thế mạnh, biết cải thiện sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng trên thị trường; hướng tới gia tăng thị phần trong tổng mức trao đổi hàng hóa xuất khẩu.

Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung đầu tư cho công nghệ và nâng cao trình độ quản lý để làm chủ quá trình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt đầy đủ thông tin, đặc biệt thông tin về ưu đãi thuế cũng như hàng rào kỹ thuật và các cơ hội thị trường mà những hiệp định thương mại tự do mang lại để có thể nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững.        

“Các DNNVV cần có cách tiếp cận khác, thông minh hơn”

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam

Các DNNVV phải trả chi phí giao dịch vô cùng lớn, khả năng tiếp cận với thị trường toàn cầu là khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn. Có tới 30% DN hiện nay đang hoạt động theo định hướng xuất khẩu, nhưng ít nhiều họ cũng đang cố gắng tiếp cận với thị trường toàn cầu, đang tự xoay sở theo các cách thức khác nhau.

Khó khăn hiện nay là tiếp cận thị trường toàn cầu. Điều này phụ thuộc vào vấn đề năng lực. Không bao giờ tiếp cận được thị trường toàn cầu nếu như không có năng lực.

Như vậy, đòi hỏi các DN ngoài những vấn đề về năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ thì phải đáp ứng được những yêu cầu hiểu biết về những quy tắc thương mại, kỹ năng cơ bản về mặt bán hàng cho các công ty nước ngoài và làm sản xuất với chi phí thấp nhất. Vì tỷ lệ chi phí trên quy mô là cao hơn rất nhiều so với các DN lớn. Các DNNVV cần có cách tiếp cận khác hơn, thông minh hơn.

“DN của ta hiện như củ khoai trong bị, mỗi củ lăn một nơi”

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tich Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Để tận dụng khai thác lợi ích từ các FTA, cách duy nhất là các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau. Chúng ta nên hợp tác liên kết lại để tạo thành chuỗi, cùng nhau nghiên cứu xu hướng và phân công ai là đầu trò trong chuỗi, phát triển thế nào để cùng nhau lớn mạnh, đầu tư mạnh dạn vào khâu phụ trợ, đầu tư cho kênh tiêu thụ để đảm bảo tiêu thụ được.

DN ta còn dở, vì chỉ biết tự làm của riêng mình, không xem thiên hạ làm thế nào. DN của ta hiện như củ khoai trong bị, mỗi củ lăn một nơi, không tạo nên sức mạnh,

Hiện nay khâu liên kết của ta chưa ổn, chưa khai thác được hết các nguồn lực. DN Việt vẫn thụ động, chủ yếu chỉ làm gia công cho nước ngoài, nên nằm ở dưới đáy chuỗi liên kết, không có tiếng nói lớn. Tới đây, DN trong nước cần chuyển dịch sang tự thiết kế, tự đáp ứng nguyên phụ liệu đầu vào và sử dụng cả thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng các nguồn tạo nguyên phụ liệu cho DN dệt may để tận dụng cơ hội từ FTA.

“Đừng cạnh tranh kiểu tiêu diệt nhau và làm mất thị trường”

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia HN

Đối với một nước nhỏ như Việt Nam, chúng ta phải tham gia chuỗi liên kết toàn cầu bằng những sản phẩm sáng tạo, độc đáo. Thế nhưng, để làm được điều này là không hề đơn giản. Ngay ngành dệt may có lịch sử lâu năm, điều này cũng còn rất khó.

Hay ngành xuất khẩu cá tra, cá basa, ban đầu sản phẩm này chúng ta đưa ra thế giới và chúng ta chiếm lĩnh tới 90% thị phần, coi như là độc quyền. Thế nhưng, chính trong nội bộ ngành thủy sản Việt Nam lại có những cạnh tranh tự tiêu diệt lẫn nhau và làm mất thị trường Đông Âu và châu Âu. Các nước gia nhập thị trường sau như Bangladesh, Ấn Độ làm mất lợi thế của chúng ta.

Tin bài liên quan