Giá trị vốn hoá của TTCK Việt Nam đã đạt trên 40% GDP.

Giá trị vốn hoá của TTCK Việt Nam đã đạt trên 40% GDP.

Tăng quyền cho cơ quan quản lý

(ĐTCK-online) Được ví như một cơ thể đang lớn, TTCK cần một “chiếc áo” rộng hơn để phát triển hài hoà. Cho dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra những tuyên bố đầy quyết tâm để vực dậy thị trường, nhưng tâm lý nhà đầu tư sau đó vẫn tỏ ra đầy do dự.

Những gì diễn ra thời gian qua cho thấy, cơ quan quản lý chứng khoán cần có một vị trí lớn hơn mới đủ sức nâng đỡ TTCK Việt Nam, thị trường được ví như một cơ thể đang “tuổi ăn, tuổi lớn”.

Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 7 năm, nhưng quy mô của TTCK Việt Nam đã “phình” lên nhanh chóng. Nếu như năm 2000, tổng giao dịch của thị trường trong mỗi phiên chỉ vỏn vẹn trên 1 tỷ đồng, thì đến năm 2005 con số này đã vào khoảng 80 tỷ đồng và năm 2007 vọt lên 700 - 800 tỷ đồng. Hiện giá trị vốn hoá của TTCK đã đạt trên 40% GDP và theo ước tính của UBCKNN, giá trị vốn hoá của các cổ phiếu niêm yết sẽ đạt 60 - 70% GDP vào năm 2010.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Bình Thạnh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các tổ chức niêm yết, cho biết, để khai thông những khúc mắc của TTCK, UBCKNN cần có một vai trò lớn hơn, tính chủ động cao hơn nữa. “Những gì diễn ra trên TTCK thời gian gần đây chứng tỏ tâm lý các nhà đầu tư đang dao động, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn về triển vọng của thị trường”, ông Tâm nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do công tác quản lý, điều hành TTCK hiện còn nhiều bất cập.

Là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, nên UBCKNN không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, phần lớn các vấn đề liên quan đến việc quản lý, điều hành thị trường đều phải do Bộ Tài chính ban hành, UBCKNN chỉ có quyền đề xuất, chứ không có vai trò tự quyết định. Chính điều này đã làm cho việc đưa ra những quyết định cần thiết để can thiệp vào thị trường bị chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Đó là những vấn đề trực tiếp liên quan đến thị trường, chưa kể những vấn đề gián tiếp nhưng có ảnh hưởng mạnh đến TTCK (như Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán là một ví dụ).

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán bức xúc, Chỉ thị 03 là cách khống chế cứng nhắc. Trong khi đó, mặc dù là cơ quan quản lý TTCK, nhưng ngoài việc “kiến nghị, đề xuất”, thì UBCKNN cũng không có bất cứ một quyền lực gì để can thiệp vào những chính sách liên quan đến thị trường mà mình đang quản lý.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, trong điều kiện thị trường phát triển như hiện nay, nếu tiếp tục để UBCKNN chỉ là một đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính sẽ là sai lầm. “Nếu muốn TTCK phát triển, thì việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính là điều sớm muộn cũng phải làm”, ông Doanh nói.

Các báo cáo nói về TTCK gần đây đều khẳng định, TTCK Việt Nam đã thực sự phát huy được vai trò là “kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế”. Điều này cho thấy, thị trường vốn đã bắt đầu đi được bằng 2 chân: kênh dẫn vốn ngắn hạn (hệ thống ngân hàng) và kênh dẫn vốn dài hạn (TTCK). Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý dòng vốn ngắn hạn là Ngân hàng Nhà nước có trong tay hàng loạt công cụ mạnh như tỷ giá, lãi suất, thị trường mở, dự trữ bắt buộc… để điều tiết thị trường, thì cơ quan quản lý dòng vốn dài hạn (UBCKNN), với quyền hạn là một cơ quan thuộc bộ, dường như chỉ có một công cụ duy nhất là… “đề xuất, kiến nghị”.ª

>> Giải pháp "cứu thị trường"