Tăng quyền cấp phép cho ban quản lý khu công nghiệp

Tăng quyền cấp phép cho ban quản lý khu công nghiệp

Đây là một trong những đột phá của Luật Đầu tư sửa đổi, kỳ vọng thổi luồng gió mới trong thu hút đầu tư.

Theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện sau khi các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đóng góp thì nhà đầu tư được đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành nghề mà pháp luật không cấm; được quyền tự chủ quyết định hoạt động của mình.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, nguyên tắc này sẽ khắc phục tất cả tồn tại, hạn chế; loại bỏ những thủ tục không cần thiết, không hợp lý trong hoạt động đầu tư nhằm giải phóng mọi nguồn lực trong nước, thu hút tối đa nguồn lực nước ngoài để phát triển kinh tế trong giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng phải cạnh tranh gay gắt.

“Ban Soạn thảo còn nhiều thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để hoàn thiện Luật Đầu tư sửa đổi trên nguyên tắc xóa bỏ tất cả thủ tục bị coi là rào cản, không phù hợp với kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch với mục tiêu đặt ra là chính sách đầu tư của Việt Nam hấp dẫn không kém hơn so với chính sách đầu tư của các quốc gia đang được đánh giá là hấp dẫn nhất trong khu vực”, bà Ngân yêu cầu.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhớ lại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành (có hiệu lực ngày 1/7/2006) đã thực sự thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế.

“Kể từ năm 2007 trở lại đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số dự án và số vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hàng năm đã minh chứng những đột phá mà Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đem lại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn mới, vì vậy cần phải gấp rút sửa đổi 2 luật này, đặc biệt khi quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ĐKĐT) hiện là một trong những rào cản rất lớn trong việc thu hút nguồn lực trong và ngoài nước”, bà Hường phát biểu.

Theo bà Hường, quy định dự án đầu tư trong nước từ 15 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng, dự án đầu tư nước ngoài dưới 300 tỷ đồng không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đều phải làm thủ tục ĐKĐT tại UBND cấp tỉnh không còn phù hợp với thực tế.

Bà Hường đánh giá cao Luật Đầu tư sửa đổi luật hóa việc ban quản lý khu công nghiệp cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận ĐKĐT đối với tất cả các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (UBND cấp tỉnh chỉ có quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận ĐKĐT đối với các dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế). “Đây là một trong những quy định đột phá trong Luật Đầu tư sửa đổi”, bà Hường nhận định.

Là người từng giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng biết rất rõ rằng, việc để UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận ĐKĐT gây rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, bởi để có thể cấp được giấy chứng nhận ĐKĐT, cơ quan đầu mối (sở kế hoạch và đầu tư) phải xin ý kiến bằng văn bản và tổ chức họp với tất cả các sở, ngành chức năng của địa phương. Trong khi đó, ban quản lý khu công nghiệp không phải mất các thủ tục này, nên thời gian cấp giấy chứng nhận ĐKĐT nhanh hơn rất nhiều, doanh nghiệp không bị lỡ cơ hội đầu tư.

“Rất nhiều doanh nghiệp than phiền rằng, các cơ chế chính sách càng xuống địa phương càng bị thu gọn lại, một phần là do trình độ cán bộ ở địa phương không đáp ứng được yêu cầu, nên sợ không dám làm hoặc phải mất rất nhiều thời gian để xin ý kiến các cơ quan liên quan; phần khác không loại trừ việc “gây khó dễ” nhằm trục lợi. Vì vậy, Luật Đầu tư sửa đổi phải hạn chế tối đa quyền cấp giấy chứng nhận ĐKĐT của UBND cấp tỉnh và trao quyền này cho ban quản lý khu công nghiệp”, ông Dũng phát biểu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tăng quyền cấp giấy chứng nhận ĐKĐT cho ban quản lý khu công nghiệp là một trong những đột phá của Luật Đầu tư sửa đổi. Quy định này sẽ thổi một luồng gió mới trong thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế.

“Luật Đầu tư sửa đổi giảm thiểu thủ tục, tạo sự thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước, mà thực chất là tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư. Thay vì mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực cho việc cấp giấy chứng nhận ĐKĐT hay cấp các loại giấy tờ khác cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, công khai và bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư”, bà Ngân nhấn mạnh.

Tin bài liên quan