Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)
Thưa ông, hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc có phải là yếu tố giúp người dân tăng thu nhập và thị trường lao động phục hồi?
Thu nhập bình quân tháng của người lao động hiện vào khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế, nhưng mức độ tăng cao chủ yếu tập trung vào một số ngành như bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Thu nhập của người dân ở những ngành còn lại có tăng, song nếu trừ đi lạm phát thì thu nhập thực tế tăng không đáng kể, nhất là khu vực phi chính thức (chiếm 64,8% tổng số lao động có việc làm của cả nước).
Hiện cả nước có khoảng 51,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, tăng trên 174.000 người so với cùng kỳ năm 2023. Số người lao động trong độ tuổi có việc làm tăng là điều đáng mừng, tuy nhiên, mỗi năm lực lượng lao động được bổ sung trên dưới 600.000 người do sinh cơ học, vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tạo việc làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là lao động chính thức, lao động được đào tạo, lao động có tay nghề.
Số người có việc tăng thêm thấp hơn lực lượng lao động được bổ sung. Thưa ông, điều này có nghĩa số người thiếu việc làm vẫn rất cao?
Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đăng tải tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, không ít doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để tuyển dụng lao động. Thực tế này là có, nhưng chỉ diễn ra ở một số ngành thâm dụng lao động, với doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu và cũng chỉ diễn ra ở các khu vực kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... và có đặc điểm chung là doanh nghiệp chỉ thiếu lao động phổ thông, không cần bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm, đào tạo. Lao động phổ thông này được tuyển dụng cũng chỉ làm thời vụ, khi doanh nghiệp hoàn thành đơn hàng cũ mà không tìm được đơn hàng mới thì họ cũng hết hợp đồng lao động.
Thực tế trên cho thấy, thị trường lao động thiếu bền vững, vì hiện vẫn còn 933.000 người lao động thiếu việc làm, tăng 26.400 người so cuối năm 2023 và tăng 47.200 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy có nghĩa là kinh tế phục hồi, nhưng thị trường lao động vẫn còn rất nhiều hạn chế?
Đúng vậy. Có thể kể ra một số hạn chế lớn nhất trên thị trường lao động hiện nay như chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng cho cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, khi vẫn còn 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Có thể nói, đây là hạn chế rất lớn trên thị trường lao động hiện nay.
Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng, khi số lao động phi chính thức làm công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không được đóng bất cứ loại bảo hiểm bắt buộc nào (bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp). Khoảng 8% số thanh niên đang thất nghiệp và 4,3% tổng số lao động, tương đương với 2,3 triệu người không sử dụng hết tiềm năng cả thời gian và năng lực cũng là những hạn chế của thị trường lao động Việt Nam. Những hạn chế này đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều.
Với những căn bệnh cố hữu của thị trường lao động như hiện nay, theo ông, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với khó khăn gì?
Năm 2023, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Tổng quan tài khoản chuyển nhượng quốc gia”, nhằm cung cấp những bằng chứng về tác động của biến đổi cơ cấu tuổi đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.
Có thể hiểu, dưới góc độ sử dụng, GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nghiên cứu cho thấy, tiêu dùng cuối của Chính phủ và người dân đóng góp 62-68% GDP của Việt Nam, trong đó, tiêu dùng của Chính phủ chỉ đóng góp khoảng 9% GDP, còn lại là tiêu dùng của người dân. Người dân muốn có tiền để tiêu dùng thì phải có thu nhập từ hoạt động làm công, làm thuê (tiền công, tiền lương) và thu nhập từ hoạt động tự làm, trong đó trên 70% thu nhập của người lao động Việt Nam là từ tiền lương, tiền công.
Nghiên cứu cũng cho thấy, dân số ở độ tuổi từ 22 đến 53 thu nhập lớn hơn chi tiêu, trong đó “thời gian vàng” là từ 25 tuổi đến 49 tuổi. Ngoài độ tuổi này thì thu nhập thấp hơn chi tiêu. Như vậy, phải giải bài toán tăng năng suất lao động, qua đó tăng thu nhập cho người lao động ở độ tuổi từ 22 đến 53 để họ tăng chi tiêu cho bản thân, có khoản “dưỡng già” khi hết tuổi lao động và gián tiếp tăng chi tiêu cho những người thu nhập thấp hơn chi tiêu.
Thưa ông, bài toán tăng năng suất lao động đã được đặt ra từ lâu, nhưng vẫn chưa có những giải pháp cụ thể?
Trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao nhất nhì khu vực, tuy nhiên, khoảng cách về giá trị tuyệt đối của năng suất lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước, nên việc thu hẹp khoảng cách về giá tuyệt đối có thể nói là rất khó.
Chính phủ quyết tâm kéo lùi khoảng cách này và xác định, đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1305/QĐ-TTg (ngày 8/11/2023) phê duyệt Chương trình hành động về tăng năng suất lao động đến năm 2030, với mục tiêu đặt ra rất cụ thể từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân phải đạt trên 6,5%/năm; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5 - 7%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7 - 7,5%/năm; khu vực dịch vụ tăng 7 - 7,5%/năm.
Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành trong việc cải thiện và tăng năng suất lao động. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia vào năm 2025; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ban hành tại Chiến lược Tổng thể phát triển khu vực dịch vụ; chủ trì thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động trong bối cảnh mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế, chính sách hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại các đô thị có tiềm năng; phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động cấp quốc gia, cấp vùng, cấp ngành.
Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định sống còn đến sự phát triển bền vững, vì một khi năng suất lao động thấp thì thu nhập của người lao động “ráo mồ hôi là hết tiền”, người lao động vẫn chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc thời vụ khi doanh nghiệp có đơn hàng.