Nghịch lý tăng NSLĐ
Theo số liệu mới nhất về NSLĐ được Tổng cục Thống kê đưa ra tại Diễn đàn CEO 2018 gần đây, toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.166 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7%/năm.
NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 10 năm 2007 - 2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philippines (2,8%/năm).
Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn tồn tại là tuy mức tăng bình quân NSLĐ của Việt Nam so với các nước trong khu vực có chiều hướng đi lên, song khoảng cách chênh lệch về NSLĐ vẫn tiếp tục mở rộng, thể hiện ở mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay rất thấp so với các nước trong khu vực.
Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và 56,7% NSLĐ của Philippines. Điều này cho thấy, khoảng cách và thách thức đặt ra ngày càng lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong việc bắt kịp mức NSLĐ của các nước trong khu vực.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới nghịch lý này, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có tăng song chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện NSLĐ trong nội tại từng ngành kinh tế.
cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Do đó, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%).
Bên cạnh đó, NSLĐ của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Với tốc độ tăng NSLĐ bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011 - 2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
“Như vậy, chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với chính sách đổi mới, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam gần đây có xu hướng tăng cao hơn các nước khu vực; nhưng mặt khác, do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp nên tốc độ tăng cao. So với các nước khác vốn có mức phát triển cao hơn nhiều so với Việt Nam, để có thể tăng được NSLĐ trên một nền tảng cao như vậy, chúng ta sẽ phải mất thời gian rất lâu.
“Xét ở khía cạnh này có thể thấy, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn các nước khác nhưng chênh lệch về năng suất lao động của chúng ta với các nước khác cũng cao. Do đó nền kinh tế phải nỗ lực rất lớn mới có thể rút ngắn được khoảng cách này”, ông Lâm nhận định.
Nâng chất lượng doanh nghiệp
Nhận xét từ kinh nghiệm thực tiễn của ông Bang Huyn Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam là rất đáng chú ý khi cho rằng, trên thực tế, NSLĐ của Việt Nam hầu như không thấp hơn nhiều so với NSLĐ tại các nhà máy của Samsung tại nhiều quốc gia khác. Theo đó, vấn đề mấu chốt là ở chất lượng đào tạo, cũng như công tác tổ chức quản lý lao động của các lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa đạt yêu cầu.
“Một ví dụ mới đây là đội tuyển U23 Việt Nam đã hoàn toàn lột xác và chiến thắng một cách đầy thuyết phục tại giải vô địch bóng đá châu Á U23. Vấn đề là họ đã được đào tạo chuyên nghiệp và dẫn dắt bởi huấn luyện viên tốt. Tương tự, nếu lao động Việt Nam cũng được đào tạo và quản lý bài bản bởi lãnh đạo giỏi thì hoàn toàn có thể gia tăng NSLĐ rất nhanh”, ông Woo lý giải.
Bên cạnh năng lực và hiệu quả quản lý, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, công nghệ, nguồn lực lao động cũng là những yếu tố đầu vào ảnh hưởng lớn tới NSLĐ. Hiện nay, nhưng yếu tố này đang rất yếu kém và rất cần có sự thay đổi.
Cụ thể, theo bà Tuệ Anh, xét về nguồn lực lao động, cần tăng chất lượng lao động để giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp và cân bằng giữa hiệu quả lao động với chi phí tiền lương đang có xu hướng gia tăng khi cầu lao động ngày càng tăng.
Còn về công nghệ, bản thân doanh nghiệp cần phải tự đầu tư nâng cấp, trong khi Nhà nước sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ để thúc đẩy quá trình tự nâng cấp này, đồng thời với việc tạo dựng các trung tâm nghiên cứu quy mô quốc gia để nâng cao chất lượng nghiên cứu, góp phần hỗ trợ kết nối công nghệ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước với vai trò là “bà đỡ” cần có chính sách tập trung phát triển nhóm ngành có NSLĐ cao và tạo ra nhiều công ăn việc làm như công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, các ngành dịch vụ để từ đó tạo tác động lan tỏa mạnh, kéo theo việc gia tăng năng suất cho cả nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm đầu tư mạnh nguồn lực con người để cải thiện năng suất, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nhận định, đây là yếu tố quyết định tới chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, các nhân tố về điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng, môi trường lao động, tư liệu sản xuất và năng lực quản lý của lãnh đạo cũng là những yếu tố rất quan trọng tác động trực tiếp tới NSLĐ.
“Tỷ lệ chêch lệch giữa các yếu tố này sẽ linh hoạt thay đổi tùy vào đặc điểm, quy mô, lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp. Trong đó, đối với các doanh nghiệp vận hành hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng tri thức và ở những ngành có NSLĐ cao thì yếu tố quyết định chính là nguồn lực con người và lao động, bởi nó đã bao gồm cả yếu tố văn hóa, môi trường, vai trò của người lãnh đạo và các yếu tố đầu vào khác.
Còn xét về tổng thể, một công thức chung cho sự thành công là đào tạo con người phải đi chung với dây chuyền, công nghệ sản xuất, cũng như cách thức vận hành của bộ máy”, bà Thanh chia sẻ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, rủi ro chính sách chính là yếu tố lớn nhất tác động trực tiếp tới NSLĐ. Lý giải điều này, ông Quốc Anh cho rằng, chính sách không ổn định về dài hạn dẫn tới các hướng dẫn thực thi cho doanh nghiệp luôn phải thay đổi, doanh nghiệp không có thời gian và nguồn lực để thích ứng.
Khu vực doanh nghiệp cùng những yếu tố tác động tới phát triển doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, do đó nâng cao chất lượng doanh nghiệp thông qua gia tăng NSLĐ khu vực này sẽ đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của nền kinh tế.
Để cải thiện chất lượng khu vực quan trọng này, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó tập trung các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu.
Đồng thời, có chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất; khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Tăng cường công tác thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.