Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Thưa Bộ trưởng, vì sao năm nay, chủ đề của VDF lại được lựa chọn là “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững”?
Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, mà một trong số đó là cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, đạt khoảng 6,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên.
Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, cách thức tăng trưởng cũ không thể giúp chúng ta gia tăng thu nhập một cách nhanh chóng và bền vững để nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.
Tăng năng suất mới chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.
Đó là lý do vì sao, chúng tôi lựa chọn “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững” là chủ đề của VDF 2017.
Vậy Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào về những vấn đề sẽ được thảo luận tại VDF 2017, nhằm giúp Chính phủ Việt Nam có được các giải pháp chính sách phù hợp để tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững?
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng năng suất, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng vì thế, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng đã nhấn mạnh nội dung “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”.
Đó cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ trong các mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và cả trong giai đoạn tiếp theo.
Nhưng, như chúng ta đã biết, nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên.
Trong chương trình nghị sự của VDF 2017, sẽ có hai chủ đề được tập trung thảo luận. Đó là “Tăng trưởng năng suất: Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” và “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Chúng tôi kỳ vọng, qua các phiên thảo luận này, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ gợi mở và “hiến kế” để làm sao, Chính phủ Việt Nam có được giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để tăng năng suất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Như Bộ trưởng vừa nói, nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam. Vậy theo Bộ trưởng, để vượt qua thách thức này, chúng ta phải làm gì?
Thực tế, Việt Nam vẫn còn dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế.
Để khai thác và tận dụng tốt các cơ hội nói trên, có nhiều việc phải làm. Trong đó, có thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện trên cả ba phương diện, đó là xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường; tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường; đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Theo đó, các giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh đều phải hướng đến hình thành và phát triển đầy đủ các loại thị trường, nhất là thị trường các nhân tố sản xuất… Phải làm sao để nâng cao mức độ cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng.
Bằng cách này, chúng ta sẽ biến cạnh tranh thực sự trở thành áp lực chính để mọi thành phần kinh tế và quốc gia phải cải thiện hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả động năng của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới vai trò, chức năng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, tháo bỏ rào cản, đảm bảo tự do kinh doanh, an toàn trong kinh doanh và thuận lợi cho đầu tư và thương mại; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế; tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực do Nhà nước phân bổ…
Vậy còn câu chuyện đổi mới công nghệ, thưa Bộ trưởng? Đây cũng là yếu tố quan trọng để tăng năng suất…
Đúng là như vậy. Một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng suất, đó là phải có chính sách khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa các doanh nghiệp và liên kết vùng, khai thác có hiệu quả những lợi ích từ cam kết quốc tế để nâng cấp chuỗi giá trị, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Một điều quan trọng nữa, đó là phải thực hiện cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động.
Điều quan trọng không kém, Chính phủ phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.