Cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng chất lượng nguồn nhân lực là cách để tăng năng suất

Cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng chất lượng nguồn nhân lực là cách để tăng năng suất

Tăng năng suất: “Chìa khóa” tăng trưởng

(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013, trong đó tiếp tục nêu bật vai trò dẫn dắt của các nước đang phát triển, song nhấn mạnh việc các nền kinh tế này phải chú trọng tăng năng suất để bảo vệ tăng trưởng lâu dài.

Tăng trưởng chậm trong rủi ro

WB nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới đã có những cải thiện nhất định về cuối năm 2012 khi những căng thẳng về tài chính ở phương Tây đã dịu đi. Điều này cũng được thể hiện ở các nước đang phát triển như: luồng vốn quốc tế đổ vào mặc dù giảm mạnh 30 - 40% hồi tháng 5 - 6/2012 nhưng đã lại lập kỷ lục mới; chênh lệch lãi suất trái phiếu đã giảm 127 điểm cơ bản (bps) từ tháng 6/2012 và hiện nay đã thấp hơn so với mức chênh lệch bình quân trong dài hạn (khoảng 282 bps); và thị trường chứng khoán đã tăng 12,6% từ tháng 6/2012.

Tuy nhiên sự phục hồi của khu vực sản xuất còn rất yếu, và niềm tin của khu vực doanh nghiệp còn thấp. Tăng trưởng ở các nước đang phát triển tăng tốc trong quý II/2012, bao gồm cả các nền kinh tế lớn có thu nhập trung bình như Brazil và Trung Quốc, khi những khó khăn hồi giữa năm cũng góp phần làm cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Những dấu hiệu sớm của quý IV/2012 cho thấy, Đông Á và Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Á, và Nam Á sẽ tiếp tục tăng tốc, song châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê sẽ đi chậm hơn. 

Nhìn chung, môi trường kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mong manh và có thể tiếp tục gây thất vọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ ở mức khá yếu, vào khoảng 2,3% trong năm 2012 và 2,4% vào năm 2013, sau đó dần dần mạnh lên đến 3,1% trong năm 2014 và 3,3% trong năm 2015.

Với dự báo tăng trưởng 5,1%, tăng trưởng GDP ở các nước đang phát triển trong năm 2012 đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tình hình tài chính được cải thiện, chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng ở các nước thu nhập cao mạnh lên đôi chút sẽ dần giúp cho tăng trưởng ở các nước đang phát triển đạt mức 5,5% trong năm 2013, 5,7% năm 2014 và 5,8% năm 2015.

Mặc dù khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin ở khu vực đồng euro có thể làm cho thị trường tài chính của cả khối bị đóng băng đã giảm đi nhiều, song cần tiếp tục đạt được tiến bộ hơn nữa.

Dù sự sụt giảm của tốc độ đầu tư cao bất thường ở Trung Quốc sẽ không làm cho tăng trưởng toàn cầu bị ảnh hưởng nhiều trong trung hạn đến dài hạn, song sẽ có những hệ lụy đáng kể cả trong nước và ngoài nước nếu như trạng thái này bị thay đổi đột ngột. Tác động đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa ở các nước đang phát triển sẽ đặc biệt nặng nề nếu như giá cả hàng hóa giảm mạnh.

 

Tăng năng suất là chìa khóa

Giải quyết tình trạng thất nghiệp cao và năng lực yếu kém vẫn là ưu tiên hàng đầu cho các quốc gia đang phát triển ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển đã đang hoặc gần hoạt động hết công suất. Đối với các nước này, kích cầu bổ sung có thể phản tác dụng, vì sẽ làm tăng thêm tình trạng nợ nần và lạm phát mà không mang lại lợi ích đáng kể cho tăng trưởng.

Ngoài ra, trong một môi trường khả năng lớn sẽ vẫn đầy khó khăn, với tốc độ tăng trưởng của các nước thu nhập cao vẫn ở mức thấp và không chắc chắn trong vài năm tới, thì các nước đang phát triển cũng không thể đảm bảo sẽ tăng trưởng mạnh. Để tăng trưởng nhanh, các nước đang phát triển cần duy trì được động lực cải cách vốn đã làm nền tảng cho tăng trưởng tăng tốc trong những thập niên 1990 và 2000. Nếu không có thêm những nỗ lực nâng cao năng suất thông qua cải cách cơ cấu, đầu tư vào nguồn vốn con người và cải thiện công tác quản trị và điều kiện đầu tư, tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng có thể sụt giảm.

Với môi trường toàn cầu vẫn đầy bất trắc như hiện nay, nhiều nước đang phát triển nên dần dần khôi phục lại các cơ chế đệm tài khóa và tiền tệ đã bị suy kiệt của mình, để đảm bảo nền kinh tế có thể ứng phó mạnh mẽ như trong cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, nếu như lại xuất hiện thêm một cú sốc lớn nữa từ bên ngoài.

Các nước đang phát triển cũng cần tiếp tục đóng vai các chủ thể tích cực trong quy trình G20, vừa để hỗ trợ cho các nước thu nhập cao hồi phục sau cuộc khủng hoảng 2008/09 vừa là để đảm bảo rằng những nỗ lực cải cách cho dù trên thị trường tài chính hay khu vực sản xuất kinh doanh cũng cần phải cân nhắc đầy đủ các tác động tiềm năng của các thị trường đang phát triển.