Trao đổi với ĐTCK, đại diện Công ty Dệt may Sài gòn 3 chia sẻ, Công ty có xấp xỉ 3.000 công nhân, lương bình quân tối thiểu hiện là 2,7 triệu đồng/người/tháng, nếu cộng thêm thu nhập theo ngạch bậc thì trung bình thu nhập công nhân là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Khi tăng lương tối thiểu thêm 15%, kéo theo phí đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, phí bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng, cùng hàng loạt chi phí phát sinh khác, tạo áp lực lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tại CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) có khoảng 4.000 lao động, với mức lương trung bình năm 2014 (không tính thưởng tháng 13) là 6 triệu đồng/tháng, mức lương tính theo sản phẩm. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT GMC cho biết, khi tăng lương tối thiểu 15% thì trung bình mỗi tháng, phần doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cũng có số lượng công nhân lớn, khoảng 4.500 công nhân. Ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT TCM cho hay, mức lương của TCM chi trả cho người lao động cao hơn nhiều mức lương tối thiểu. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu trong năm 2015 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến TCM. Tuy nhiên, hàng năm, TCM đều tăng lương cho người lao động căn cứ theo mức lạm phát của năm đó và sự đóng góp của từng nhân viên, được thể hiện qua kết quả làm việc của họ. Hiện TCM đang chuẩn bị khởi công dự án nhà máy ở Vĩnh Long, khi hoàn thành sẽ giúp Công ty tăng năng suất, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, mức lương thực trả cho công nhân hiện nay tại các doanh nghiệp dệt may thường cao hơn lương tối thiểu vùng, bởi nếu trả mức thấp hơn, doanh nghiệp sẽ khó tìm được nhân công. Khảo sát của mới nhất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với gần 1.900 lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp cho thấy, tiền lương trung bình của công nhân hiện là 3,667 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trước đây, ngoài lương “cứng” (thường là lương tối thiểu) thì doanh nghiệp có thêm các khoản thưởng, tăng ca, phụ cấp cho người lao động, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên đã tìm cách giảm những khoản này để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chấp nhận sụt giảm lợi nhuận, tìm phương án bù đắp chi phí này, bởi nếu mất đi nguồn lao động (một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp dệt may) thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng đúng thời hạn và đương nhiên mất thị phần về tay đối thủ.
Theo giám đốc một công ty dệt may, năm 2014, doanh nghiệp ngành dệt may sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt hơn năm 2013, nhưng triển vọng năm 2015 khá… mù mờ. Thực tế, từ tháng 7/2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp thiếu việc khi số lượng đơn hàng, nhất là khách hàng châu Âu sụt giảm mạnh. Nếu tình trạng đơn hàng sụt giảm này tiếp diễn trong năm 2015, có khả năng doanh nghiệp sẽ phải giảm giá đầu ra để cạnh tranh. Tức doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ sụt giảm nguồn thu, trong khi chi phí lại tăng thêm từ việc tăng lương tối thiểu.
Vị giám đốc trên cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may khác cho rằng, tăng lương tối thiểu là đảm bảo quyền lợi người lao động, nhưng cần có thêm thời gian cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì tình trạng sụt giảm đơn hàng như hiện nay.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất về mức lương tối thiểu vùng năm 2015, tăng khoảng 15% so với năm 2014. Theo đó, từ 1/1/2015, lương tối thiểu vùng 1 là 3.100.000 đồng/người/tháng (tăng 400.000 đồng so với lương tối thiểu năm 2014), vùng 2 là 2.700.000 đồng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2.400.000 đồng (tăng 320.000 đồng), vùng 4 là 2.200.000 đồng (tăng 300.000 đồng). Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu vùng năm 2015 chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. |