Vào một buổi tối Chủ nhật bình thường ở Hà Nội, những chiếc xe hơi sang trọng và xe máy đắt tiền chen chúc nhau ra vào bãi đỗ xe của một trung tâm thương mại gần Kim Mã. Ngoài những bộ trang phục bắt mắt và cầu kỳ, hầu như trên tay người nào cũng là những chiếc smartphone có giá lên tới cả chục triệu đồng.
Điều này diễn ra gần như tương tự ở các trung tâm thương mại khác quanh Hà Nội, kể cả không gần trung tâm Thủ đô. Cách đây chừng 10 năm, đó không phải hình ảnh thường thấy, nhưng nay đã khác. Cảnh tượng này phản ánh những gì mà nhiều người đang nói tới về câu chuyện tầng lớp trung lưu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam.
Những cuộc khảo sát trong thời gian gần đây của nhiều định chế quốc tế như HSBC hay Niesel cho thấy, thu nhập của một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam dao động ở mức 1.400 - 3.400 USD/tháng (tương đương từ 30 - 75 triệu đồng/tháng) và đang có khoảng 30 triệu người nằm trong nhóm này. Dự báo của Nielsen cho biết, con số này sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020.
Tranh thủ cơ hội
Cũng trong báo cáo ra ngày 10/1/2018, Nielsen nhận định, người Việt Nam sẵn sàng tăng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản lớn để nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình. Cụ thể, sau khi thanh toán cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 2/5 người Việt sẵn sàng chi tiêu cho du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), các sản phẩm công nghệ mới (44%), các dịch vụ giải trí bên ngoài (38%) và 37% người Việt sẵn sàng chi lớn cho hoạt động sửa chữa, mua sắm nhà cửa.
Căn nhà không chỉ còn là nơi để ở, mà còn là nơi để hưởng thụ cuộc sống.
Phó giám đốc điều điều hành và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, ông Troy Griffiths cho biết, các quốc gia mới hoặc đang phát triển với tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, điển hình như Việt Nam, đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội tại thị trường nhà ở.
Với mức thu nhập ngày càng tăng, nhóm người trẻ có thu nhập tốt, ổn định có khả năng và sẵn sàng chi trả tốt cho căn nhà của mình, đặc biệt là các bất động sản đặc sắc và nhiều giá trị. Trong đó, giá trị không chỉ nằm ở ngôi nhà có thiết kế đẹp để ở, mà phải đa tiện ích, phục vụ tốt nhất nhu cầu trải nghiệm sống của mỗi thành viên trong gia đình.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Movainternational cho thấy, 35% người tiêu dùng tại các nước phát triển sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên qua các năm. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi số người sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các dự án xem trọng yếu tố không gian sống gắn với các yếu tố eco, green, park, lakeview…
Vingroup, Sungroup, HD Mon Holdings, MIK Group, Capital House, Hải Phát, Văn Phú, Novaland, Phú Long, Hưng Thịnh hay Phát Đạt… là những điển hình thành công trong những năm vừa qua khi theo đuổi những giá trị này. Không hẳn tất cả các dự án do họ đầu tư, phát triển có được thanh khoản tuyệt đối, nhưng thị trường luôn có cái nhìn công bằng khi quyết định xuống tiền mua nhà của các chủ đầu tư này.
Đại diện Tập đoàn Hải Phát chia sẻ, trong một thị trường mà sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, người mua cũng ngày càng kỹ tính và đòi hỏi nhiều hơn, các chủ đầu tư không còn đơn thuần xây nhà là có thể bán ngay được.
Ngay cả các dự án cao cấp và hạng sang, vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm dù có thể là những yếu tố tạo ra sự khác biệt cho dự án, nhưng để định vị thương hiệu theo những cách đặc biệt, các chủ đầu tư buộc phải không ngừng tìm kiếm các ý tưởng phát triển mới để có thể nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh cũng như chinh phục được những khách hàng khó tính. Sự thay đổi bộ mặt thị trường bất động sản từ chính nhu cầu của khách hàng đang diễn ra với cường độ ngày càng lớn.
Cuộc đua tăng tốc
Sự giàu lên của tầng lớp trung lưu tạo ra các chuẩn mực mới về sản phẩm bất động sản, nhưng cũng chính điều đó đẩy sức cạnh tranh ngày càng lên mức khốc liệt hơn. Nhà đầu tư nội không chỉ cạnh tranh gay gắt với nhau, mà còn phải dè chừng cả các nhà đầu tư ngoại quốc tham gia vào thị trường.
Tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng đang tạo ra sức cầu nhà đất lớn
Hai năm qua, Chow Tai Fook, China Fortune Land Development, Hongkong Land, Capital Land, Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad, Pressance Corporation… đã từng bước hiện diện tại Việt Nam thông qua nhiều hoạt động đầu tư, mua bán và sáp nhập lớn nhỏ khác nhau.
Phần lớn các thương vụ thương vụ diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM hay một vài địa phương có thế mạnh phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng. Một số thương vụ kết hợp với nhà đầu tư lớn trong nước như Phát Đạt, An Gia, Novaland, Sungroup, Vingroup… chủ yếu ở phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, cũng đã có nhà đầu tư hướng tới đầu tư phân cấp, theo công ty hoặc đầu tư phát triển trực tiếp các dự án nhằm cạnh tranh trực tiếp dự án với nhà đầu tư nội.
Có thể kể đến dự án khổng lồ với diện tích hơn 2.000 ha ở huyện Đông Anh với quy mô đầu tư 4 tỷ USD của liên doanh Việt - Nhật giữa BRG và Sumitomo, dự kiến sẽ là một trong những dự án trọng điểm trên thị trường trong năm tới. Hay quần thể Siêu dự án ASEAN City Hanoi, một dự án được quy hoạch và phát triển dọc hai bên đường từ sân bay Quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân với chiều dài 11 km, tổng diện tích 1.900 ha do Công ty TNHH Noble (Việt Nam) 100% vốn ngoại làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, Keppel Land hay trước đó là Capitaland, một nhà phát triển bất động sản khác của Singapore cũng đang có kế hoạch sẽ liên tục đưa ra nhiều dự án mới tại TP.HCM và Hà Nội.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, có thể thấy rõ ràng là thu nhập của người dân và hoạt động đầu tư bất động sản luôn tỷ lệ thuận với nhau. Khi người dân có tiền, bất động sản trở thành kênh đầu tư an toàn, bền vững được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, khi tầng lớp dư giả tài chính tăng lên cũng đồng nghĩa với việc các khách hàng khó tính hơn, đòi hỏi các chủ đầu tư phải đầu tư nhiều hơn nữa vào chất lượng và thiết kế tạo sự khác biệt nếu muốn dự án thành công
"Thời gian vừa qua, thị trường bắt đầu đón nhận những dự án với các điểm độc đáo 'đầu tiên', như lần đầu tiên có thang máy đi lên trực tiếp từng căn hộ, người mua được phép tùy chọn vật liệu hoàn thiện, hồ bơi riêng cho từng căn hộ, căn hộ với các tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng...", bà Dung nói và nhấn mạnh, thay vì tìm kiếm bộ tiêu chuẩn mang tính công thức, đã đến lúc chủ đầu tư cần dành thời gian để nghiên cứu những dự án thành công, để từ đó khơi nguồn cảm hứng giúp họ có thể tạo nên một sản phẩm mới hơn, tốt hơn. Họ sẽ phải trở thành những người sáng tạo ra những chuẩn mực mới chứ không chỉ tuân thủ những chuẩn mực cũ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com